Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp kiện đòi… trả tên

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngày 11.6, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo của bị đơn, chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần (CP) Phúc Sinh (Q.4, nguyên đơn), buộc Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh (Q.Tân Phú, dưới đây gọi tắt là Nông sản Phúc Sinh, bị đơn) không được sử dụng tên riêng là “Phúc Sinh”.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty CP Phúc Sinh được thành lập từ năm 2001. Lúc đầu công ty này có tên là Công ty TNHH Quốc tế Phúc Sinh, đến năm 2007 đổi thành Công ty TNHH Phúc Sinh và từ năm 2010 thì đổi thành Công ty CP Phúc Sinh.
Năm 2008, Công ty CP Phúc Sinh phát hiện phía bị đơn dùng tên thương mại tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của mình.
Phần tên riêng “Phúc Sinh” trong tên thương mại của phía bị đơn cũng trùng với nhãn hiệu mà phía nguyên đơn đã được bảo hộ trước đó. Phía bị đơn sử dụng tên giao dịch có chứa thành phần tên riêng “PHÚC SINH”, “PHUC SINH” trong các công văn, hợp đồng cũng như thông tin trên trang web.
Thực tế khách hàng cũng đã có sự nhầm lẫn giữa hai công ty. Vì vậy, Công ty CP Phúc Sinh đã kiện ra tòa để… đòi tên.
Tại phiên xử phúc thẩm, Nông sản Phúc Sinh cho rằng phải căn cứ vào các ngành nghề kinh doanh thực tế và nhãn hiệu, biển hiệu… trên thực tế mới xác định được có nhầm lẫn hay không. Ngoài ra, tên riêng của bị đơn không chỉ là “Phúc Sinh”, không gây nhầm lẫn với tên thương mại của phía nguyên đơn và tính từ thời điểm chuyển sang thành Công ty CP Phúc Sinh thì nguyên đơn có sau tên thương mại của bị đơn…
Tuy nhiên, quan điểm này của bị đơn không được tòa chấp thuận. Theo HĐXX, tên của Công ty CP Phúc Sinh có trước từ năm 2001. Tuy công ty cổ phần năm 2010 mới được chuyển đổi nhưng tiền thân đã có từ trước sự ra đời của Nông sản Phúc Sinh.
Ngoài ra, hai bên có một số ngành nghề kinh doanh trùng nhau, gây nhầm lẫn. Đặc biệt, nguyên đơn đã đăng ký và được bảo hộ độc quyền sử dụng nhãn hiệu Phúc Sinh…
Vì vậy, Tòa tuyên buộc bị đơn phải chuyển đổi sang tên khác. Ngoài ra, phía bị đơn còn phải bồi thường 23 triệu đồng phí luật sư do có hành vi xâm phạm nhãn hiệu và tên thương mại của phía nguyên đơn.
theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)