Sự kiện giáo dụcTin tức

Doanh nghiệp là nhà trường thứ hai

Tạp Chí Giáo Dục

Tại tọa đàm khoa học “Các đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030” do Tiểu ban GDNN của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức mới đây, TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN) khẳng định, chiến lược phát triển GDNN trong 10 năm tới đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Mục tiêu của chiến lược là hình thành, phát triển hệ thống GDNN phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, dễ tiếp cận, công bằng, bền vững. Tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng, nhất là đào tạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cả về số lượng và chất lượng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Theo Dự thảo chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, GDNN đặt ra một số yêu cầu cần đổi mới để phát triển như: Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; phát triển GDNN mở và linh hoạt; chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà trường thứ hai; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tự chủ tài chính ở các cơ sở GDNN công lập là xu hướng không thể đảo ngược… Theo bà Khương Thị Nhàn (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục GDNN), chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 có hai phương án (phương án đưa ra chỉ tiêu cụ thể và phương án không đưa ra chỉ tiêu cụ thể). Cụ thể, với phương án đưa ra chỉ tiêu, hệ thống GDNN ước tính trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người ở các trình độ. Trong số này ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35% có văn bằng, chứng chỉ. Giai đoạn 2025-2030, tuyển sinh hàng năm đạt 6,3 triệu người và cả giai đoạn tuyển sinh khoảng 29,1 triệu người. Đồng thời, ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có văn bằng, chứng chỉ…

T.Hng

Bình luận (0)