Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dù liên tục có lãi trong vòng một tháng qua và mức lãi hiện nay lên tới trên dưới 1.000 đồng/lít xăng, nhưng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chưa có động thái giảm giá bán lẻ trong nước.
Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương mới đây cho thấy, thị trường xăng dầu vẫn còn độc quyền nhóm.
Doanh nghiệp đã lãi cả tháng, song người tiêu dùng vẫn phải xài giá xăng cao. Ảnh: Phạm Yên.
|
Lãi gần 1.000 đồng/lít xăng
Theo công bố của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân của 30 ngày ở qua mức 84,46 USD/thùng. Tính đến hết ngày 15-10, sau khi cộng các khoản thuế, phí và các khoản do Bộ Tài chính quy định, doanh nghiệp đang lãi 921 đồng/lít xăng.
Với mặt hàng diesel loại 0,05S, doanh nghiệp đạt mức lãi 910 đồng/lít trong khi dầu hỏa có mức lãi nhiều nhất, tới 1.122 đồng/lít. Dầu madút là mặt hàng có mức lãi thấp nhất cũng ở mức 379 đồng/kg.
So với thời điểm ngày 17-9, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã liên tục có lãi với các mức lãi khác nhau tùy từng thời điểm. Mặc dù có mức lãi khá lớn đến thời điểm hiện nay nhưng chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo quy định. Một lần nữa câu chuyện giá xăng dầu trong nước giảm không kịp thời với giá thế giới gây thiệt hại cho người tiêu dùng lại được đặt ra.
Kết quả nghiên cứu được Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương công bố về thị trường xăng dầu Việt Nam tuần qua cho thấy, trong số 5 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, Petrolimex là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường vượt trội so với nhóm 4 doanh nghiệp còn lại (Petec, PV Oil, Saigon Petro và Mipeco).
Cùng với đó, 10 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu đều là doanh nghiệp nhà nước. Gọi là 10 doanh nghiệp nhưng thực tế thị trường xuất nhập khẩu bị chi phối bởi sự tồn tại mang tính lịch sử của Petrolimex.
Riêng thị trường cung cấp nhiên liệu hàng không, Vinapco là doanh nghiệp độc quyền hoàn toàn với mức thị phần 100%. Khoảng cách thị phần giữa Petrolimex và các doanh nghiệp còn lại là rất lớn. Thực tế này cho thấy thị trường xăng dầu vẫn là thị trường độc quyền nhóm.
Điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy, việc Nhà nước can thiệp vào giá cả xăng dầu thông qua các công cụ tài chính đã làm cho hệ thống giá xăng dầu trong nước bị “bóp méo”.
Nghịch lý cho thấy, mặc dù giá vốn của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khác nhau, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện kinh doanh lãi lỗ của các doanh nghiệp này cũng khác nhau. Nhưng trên thực tế hệ thống phân phối bán lẻ xăng dầu của nước ta vẫn là hệ thống cửa hàng một giá, các doanh nghiệp không có sự cạnh tranh về giá trên thị trường xăng dầu.
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới tăng, để đảm bảo lợi ích của mình, các doanh nghiệp đầu mối sẽ làm thủ tục để xin tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Ngược lại khi giá thế giới giảm, do một số lý do khác nhau, các doanh nghiệp xăng dầu thường chần chừ giảm giá bán.
Cơ cấu lại các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, cần cấu trúc lại thị trường xăng dầu theo hướng cơ cấu lại các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, dù chỉ có ba đầu mối nhập khẩu nhưng tính cạnh tranh rất cao. Trong khi tại Việt Nam có 10 doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu nhưng sức cạnh tranh không cao.
“Để tận dụng các nguồn lực của Nhà nước đồng thời thu hẹp khoảng cách về thị phần giữa các doanh nghiệp nhằm tạo sự cân đối trên thị trường nhập khẩu xăng dầu, tăng động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, Nhà nước có thể cho sáp nhập một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có thị phần nhỏ lại với nhau”- Nhóm nghiên cứu của Cục Quản lý cạnh tranh khuyến nghị.
Về sự độc quyền trong lĩnh vực xăng dầu ở Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh cho rằng rào cản tự nhiên trong lĩnh vực xăng dầu và hàng không hiện rất lớn. Nói là mở cửa nhưng thị trường xăng dầu không phải doanh nghiệp có tiền là vào được do phải đầu tư hệ thống xe bồn, trạm bán … Các doanh nghiệp xăng dầu mới chỉ cạnh tranh ở mảng cuối cùng của thị phần.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cũng cho rằng nên xem xét sâu hơn việc tổ chức các ngành dịch vụ ở Việt Nam hiện nay. Về nguyên lý bao giờ cũng không thể có quá nhiều doanh nghiệp trong một lĩnh vực.
Theo quy định của Liên bộ Tài chính – Công Thương, từ tháng 7-2010, các doanh nghiệp phải giãn tần suất tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, các lần tăng giá bán phải cách nhau trong vòng 30 ngày, thay vì 10 ngày như quy định cũ. Còn việc giảm giá được thực hiện với tần suất không hạn chế, miễn là doanh nghiệp có điều kiện để điều chỉnh.
|
Theo TNO
Bình luận (0)