Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Doanh nghiệp “làm ngơ” với đào tạo nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương thực hành nghề làm tóc

Mặc dù không vừa lòng với chất lượng nguồn lao động nhưng doanh nghiệp hiện rất dè chừng trong việc cùng các trường nghề tham gia đào tạo. Có vẻ như các trường nghề vẫn đang “đơn độc” trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cách biệt giữa đào tạo và sử dụng lao động sẽ ngày càng lớn nếu việc liên kết đào tạo nhân lực tiếp tục bị doanh nghiệp… làm lơ!
Trường nghề tự “gồng gánh”
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tại TP.HCM” do Trường TC Nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương vừa tổ chức, ThS. Nguyễn Phan Hòa (Trường TC Nghề Nhân Đạo) nhấn mạnh: Việc liên kết giữa doanh nghiệp và các trường nghề trong việc nâng chất lượng đào tạo là yêu cầu bức thiết. Nhất là trong điều kiện kinh tế, khoa học công nghệ phát triển đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải cập nhật mới, đầu tư trang thiết bị công nghệ nhằm đem đến sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, theo ThS. Hòa, khảo sát 115 doanh nghiệp năm 2012 cho thấy một con số đáng buồn về thực trạng liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Chỉ hơn 2% doanh nghiệp thường xuyên ký kết hợp đồng cùng tuyển sinh đào tạo với trường nghề. Gần 15% doanh nghiệp đôi khi mới làm việc này. Đáng nói, gần 70% doanh nghiệp chưa chịu tham gia đề xuất, kiến nghị nhằm điều chỉnh chương trình đào tạo trung cấp, sơ cấp nghề cho sát với nhu cầu của chính người sử dụng lao động.
Ông Đồng Thành Tín (Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Kho vận Công ty Nguyễn Kim) nhìn nhận, sự chênh lệch quá lớn giữa môi trường học đường và doanh nghiệp khiến học sinh chậm thích nghi với kỷ luật lao động, áp lực công việc khi ra trường. Mặc dù có học sinh khá, giỏi nhưng doanh nghiệp vẫn từ chối nhận thực tập do không đúng ngành nghề hoặc kỹ năng nghề yếu kém. Một số doanh nghiệp xem học sinh thực tập như một nguồn “lao động giá rẻ” nên thiếu tôn trọng và hướng dẫn qua loa.
Ngược lại, phía nhà đào tạo, ông Tín đánh giá rằng có sự bất hợp lý trong ngành nghề đào tạo và chậm đổi mới chương trình dẫn đến đầu ra không đáp ứng. Máy móc công nghệ phục vụ đào tạo lạc hậu so với công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp khiến học viên khi vào thực tế bị mù mờ.
Tình hình kinh tế khó khăn trong thời gian qua cũng khiến một số doanh nghiệp lo ngại gia tăng kinh phí khi liên kết đào tạo nghề. Đơn cử ngay tại chính cơ sở mình, ThS. Đỗ Thanh Vân (Trường CĐ Nghề TP.HCM) cho biết trường chỉ liên kết được với những doanh nghiệp thân thiết trước đó. Phần lớn những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đều chưa có chiến lược về nguồn nhân lực nên khó dự báo nhu cầu lao động và đặt hàng với trường.
Doanh nghiệp cần “vào cuộc”
“Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cần chung tay vì hiện nay, lượng học sinh THCS và THPT có nhu cầu học nghề nhưng ngành nghề đào tạo lại không phong phú, cơ sở vật chất yếu kém, tay nghề giáo viên hướng dẫn không cao dẫn đến không đạt chất lượng”, ông Tín đặt vấn đề. Cũng theo ông Tín, các bộ cần xây dựng một chương trình đào tạo nghề chuẩn, xuất phát từ cấp THCS, tiếp tục “nâng cấp” ở bậc THPT. Học sinh không phải học lại những nội dung không cần thiết.
TS. Lê Hồng Minh (Viện Nghiên cứu EBM) nhấn mạnh, yếu tố quyết định hiệu quả của việc hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và trường nghề không phải là nhu cầu hay khả năng các bên mà nằm ở sự cho phép của pháp luật. Nhà nước cần xây dựng tiêu chuẩn nghề, các phương thức phối hợp tổ chức đào tạo những kỹ năng thực hành được thực hiện tại doanh nghiệp.
ThS. Hòa định hướng rằng cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp có thể cùng nhau tổ chức tuyển sinh để đào tạo nghề cho những vị trí mà doanh nghiệp cần. Người học sẽ yên tâm học tốt vì khả năng được tuyển dụng sau tốt nghiệp là chắc chắn. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật lành nghề tại doanh nghiệp cũng cần tham gia với cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, giảng dạy…
“Trong quá trình hợp tác đào tạo cũng phải quan tâm đến xu thế toàn cầu và hội nhập quốc tế, đào tạo ra đội ngũ lao động có chất lượng cao để cạnh tranh với các nước” – TS. Minh đề xuất.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Doanh nghiệp thiếu quan tâm đến đào tạo nghề
Theo đánh giá chung tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần IX, chất lượng dạy nghề vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và chưa theo kịp sự thay đổi công nghệ sản xuất nhanh chóng ở các doanh nghiệp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động; thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm. Chưa bổ sung kịp thời chương trình đào tạo cho các nghề mới theo yêu cầu phát triển của xã hội và cho xuất khẩu lao động… Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến liên kết đào tạo nghề. Mối quan hệ đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, tự phát, chưa có mô hình và giải pháp quản lý phù hợp.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)