Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp logistics ngoại độc diễn ở Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành logistics ở Việt Nam hiện nay được biết đến nhiều hơn lại là các thương hiệu nước ngoài như DHL Sypply Chain, Maersk Logistics, APL Logistics… Cuộc cạnh tranh vốn đã lệch cân giờ càng nghiêng hẳn về một phía.

Cú hích của DHL

Thị trường logistics (giao nhận kho vận) ở Việt Nam từ lâu được xem là nơi độc diễn của DN nước ngoài nay lại càng khó khăn hơn cho các DN trong nước khi các DN ngoại liên tiếp mở rộng đầu tư. Bằng chứng là giữa năm nay, DHL Supply Chain (thuộc Tập đoàn Deutsche Post DHL) đã đầu tư gần 13 triệu USD để mở rộng hoạt động.
Trong đó, DHL Supply Chain đưa vào hoạt động trung tâm phân phối thứ hai có diện tích 10.000m2 tại tỉnh Bắc Ninh, tăng diện tích kho bãi từ 91.000m2 hiện nay lên hơn 141.000m2 và phát triển đội xe lên 100 chiếc vào năm 2015.
Cùng với kho bãi, DHL Supply Chain dự kiến sẽ tăng số lượng nhân viên hơn 170%, tạo ra 1.400 việc làm mới. Đến năm 2015, Công ty sẽ có hơn 2.200 nhân viên tại Việt Nam.
Ông Oscar De Bok, Giám đốc Điều hành DHL Supply Chain khu vực phía Nam và Đông Nam Á, cho biết, sự chuẩn bị này nhằm vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghệ và ô tô tại thị trường Việt Nam, những ngành hàng được dự báo sẽ phát triển mạnh trong những năm tới.
Không chỉ có DHL Sypply Chain, trước đó, nhiều hãng logistics lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như: Maersk Logistics, APL Logistics có NYK Logistics, MOL Logistics… cũng tăng cường đầu tư, mở rộng hoạt động.
Trong đó, Maersk Line, đơn vị vận tải biển chủ lực của Tập đoàn A.P. Moller – Maersk năm 2010 cũng đã xây thêm bốn kho hàng. Năm 2014, lộ trình mở cửa hoàn toàn cho thị trường logistics đang khiến việc đầu tư của các tập đoàn nước ngoài càng thêm sôi động.
Thị trường Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn các công ty logistics hàng đầu thế giới. Bởi, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam được nhiều DN nước ngoài lựa chọn đầu tư. Ông Oscar De Bok, cho biết, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu nên DHL Supply Chain đang đầu tư đón đầu sự tăng trưởng này.
Trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành đạt 25%/năm thì DHL Supply Chain (bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001) đã đạt mức tăng trưởng tới 45%/năm và đang dẫn đầu thị trường logistics về bán lẻ, công nghệ và hàng tiêu dùng.
Tương tự thế, Maersk Line cũng đã tăng trưởng kinh doanh hơn 200% (từ năm 2005 đến 2010) trong lĩnh vực vận tải biển container.
Vệ tinh cho nước ngoài
Theo Bộ Công Thương, dịch vụ logistics ở Việt Nam chiếm từ 15 – 20% GDP, đạt khoảng 12 tỷ USD/năm, gắn với toàn bộ khâu lưu thông, phân phối của nền kinh tế.
Ông Luis Blancas, chuyên gia giao thông của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho rằng, logistics sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững trong tương lai nhưng hiện nay các DN Việt Nam khó cạnh tranh với các tập đoàn toàn cầu. Trong gần 1.000 DN hoạt động thì chỉ có 25 công ty nước ngoài, nhưng điều đáng nói là họ nắm giữ phần lớn "miếng bánh logistics".
Ngoại trừ một vài DN như Vinafco, các DN Việt đa phần là DN có quy mô nhỏ, chỉ có thể cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng thấp như khai báo hải quan, vận chuyển hàng hóa bằng xe tải hoặc container và làm vệ tinh cho DN nước ngoài.
Mặc dù, World Bank đã xếp Việt Nam đứng thứ 53/155 về chỉ số năng lực ngành logistics (LPI) và xếp thứ 5 trong ASEAN, qua mặt Indonesia về LPI (Indonesia thứ 59) nhưng năng lực này cũng "nhờ" vào nhà đầu tư ngoại.
Hiện các DN nước ngoài đã tiến đến đáp ứng dịch vụ logistics bên thứ tư (4PL), gắn kết các nguồn lực, tiềm năng và cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics.
Thậm chí, nhiều DN còn cung ứng dịch vụ logistics bên thứ năm (5PL): cung cấp hệ thống thông tin tích hợp để đảm bảo dòng thông tin liên tục và tăng khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các DN trong nước chỉ có thể thực hiện một hai công đoạn trong chuỗi cung ứng và không gắn kết được với DN xuất khẩu không thể cạnh tranh với DN ngoại.
Điều ghi nhận nhất hiện nay là một số DN Việt Nam đã bắt đầu đầu tư công nghệ quản trị hiện đại về chuỗi cung ứng, như hệ thống kho phân phối, cảng cạn (ICD), hệ thống gom hàng container (CFS), các ga hàng hóa hiện đại tại các TCS, SCSC (sân bay Tân Sơn Nhất) và NTSC, ACS (sân bay Nội Bài) nhưng số này chưa nhiều.
Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam (VLA), cho rằng, một bất lợi rất lớn cho các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam là thói quen "bán giá FOB và mua giá CIF" đã khiến các hãng tàu, hãng hàng không Việt Nam bị mất lợi thế sân nhà.
"Tổng giá trị của thị trường vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam đạt khoảng 700 triệu USD nhưng các DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 22%", ông Quang cho biết.
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Bình luận (0)