Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Doanh nghiệp lương thực thực phẩm: Làm sao phục hồi trong tình hình mới?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư khiến hoạt động sản xuất kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm (LTTP) bị tác động tiêu cực khi nguyên phụ liệu đầu vào tăng từ 20-50%, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, thiếu hụt lao động. Cùng với đó, xu hướng mua hàng của người tiêu dùng cũng thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến. Vậy làm sao doanh nghiệp (DN) LTTP phục hồi phát triển sản xuất trong tình hình mới…

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (nhà nghiên cứu tư vấn chính sách, kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp) chỉ rõ, dịch bệnh đã thúc đẩy sự dịch chuyển từ việc mua hàng trực tiếp sang trực tuyến, nhờ đó thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các kênh bán hàng trực tuyến đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh có mức tăng trưởng lên tới 91% trong năm 2021. Đại dịch cũng đã tác động sâu rộng lên chuỗi cung ứng, khiến các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống gặp rủi ro, phát sinh nhu cầu phải tính toán thiết kế lại chuỗi cung ứng. Từ đó, xu hướng về chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt đang được mở ra để thích nghi với điều kiện mới. Và trong bối cảnh này, việc tổ chức sản xuất cũng cần được đổi mới để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.

“Để thích nghi với xu thế mới, các DN cần chú trọng tới việc nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, thuận tiện trong vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng. Đồng thời, chủ động và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh như tăng tương tác và kiểm soát chất lượng từ xa. Muốn tốt điều này, cần tuyển chọn, xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên nhân lực có trình độ, kỹ năng phù hợp thời đại kinh tế số. Đồng thời, DN cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh, tránh bị động”, ông Điền nói.

Dự báo về bức tranh kinh tế của ngành LTTP và giải pháp, cơ hội cho DN trong bối cảnh mới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Bền vững TP.HCM (IRSH) – cho hay, cơ hội giúp DN phục hồi phát triển sản xuất trong bối cảnh mới hiện nay sẽ đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), những hỗ trợ từ Chính phủ và sự nỗ lực từ nội tại DN. Theo đó có 6 nhóm giải pháp DN ngành LTTP cần tập trung để phát triển vững chắc trong tương lai, đó là: thể chế hóa bộ khung pháp lý DN trong điều kiện mới; đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại, bền vững; đầu tư và phát triển công nghệ thông minh tối ưu; đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; xây dựng DN LTTP theo tiêu chuẩn mỗi DN là một tế bào kinh tế thông minh, trách nhiệm, hiệu quả và linh hoạt. Cuối cùng, phải thiết lập cho được chuỗi, khu vực sản xuất, kinh doanh LTTP bền vững.

Ông Nguyễn Đặng Hiến – Phó Chủ tịch Hội LTTP TP.HCM – thông tin, sau khi TP.HCM và cả nước nới lỏng các hoạt động phòng, chống dịch từ đầu tháng 10, hoạt động sản xuất từng bước được phục hồi. Dù tình hình chung có khó khăn, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng giảm nhưng DN đã sớm dự báo tình hình và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân mua sắm dịp cuối năm…

Phú Cát

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)