Giám đốc của hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trực tuyến Google Inc. là Eric Schmidt vừa trình bày bản kế hoạch mới với dự định góp phần xây dựng một nước Mỹ thân thiện hơn với môi trường thông qua kế hoạch nhằm giảm bớt mức tiêu thụ dầu mỏ và than đá vào năm 2030.
Theo kế hoạch này, Google sẽ nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của lĩnh vực năng lượng vào than đá (hiện cung cấp 50% sản lượng điện), khí đốt (20%) và năng lượng hạt nhân (20%). Thay vào đó, công ty này hy vọng năng lượng tái sinh sẽ chiếm phần lớn đầu vào của hoạt động sản xuất điện ở Mỹ.
Kế hoạch được Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt trình bày cũng kêu gọi phát triển tỷ trọng năng lượng gió trong sản lượng điện từ mức tương đối khiêm tốn hiện nay lên 29%. Tỷ trọng nhiệt điện và năng lượng Mặt Trời sẽ tăng lần lượt lên 15% và 12%. Trong khi đó, khí đốt tự nhiên, thủy điện và năng lượng hạt nhân sẽ chiếm phần còn lại. Nếu quá trình chuyển đổi trên diễn ra và mức tiêu thụ điện vẫn như cũ thì lượng nhiên liệu hóa thạch tiêu thụ sẽ giảm bớt 88% còn lượng khí thải cácbon sẽ giảm bớt 95% vào năm 2030. Riêng đối với các loại phương tiện vận tải (vốn là trung tâm của kế hoạch trên), Google đang nỗ lực kêu gọi người tiêu dùng mua ô tô sử dụng động cơ lai và động cơ điện. Dự kiến, doanh số bán các loại xe này sẽ tăng từ 100.000 chiếc năm 2010 lên 22 triệu chiếc năm 2030.
Nếu kết hợp với những nỗ lực cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu của các loại phương tiện vận tải truyền thống, Mỹ sẽ giảm bớt 38% lượng dầu tiêu thụ so với mức dự kiến của năm 2008. Dự đoán, Mỹ mặc dù sẽ phải tốn 4.400 tỷ USD cho kế hoạch trên, song sẽ tiết kiệm được 1.000 tỷ USD trong 22 năm thực hiện nó trong bối cảnh năng lượng tái sinh sẽ trở nên rẻ hơn còn giá xăng lại đắt hơn.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ kêu gọi phát triển năng lượng tái sinh nhằm hạn chế bớt khí thải nhà kinh và bảo vệ môi trường. Trước đó, hồi tháng tư, hãng cung cấp điện Southern California Edison (SCE) cho biết họ sẽ chi 875 triệu USD để xây dựng một hệ thống sản xuất điện bằng công nghệ quang điện mặt trời, đây sẽ là một dự án tế bào năng lượng mặt trời lớn nhất nước Mỹ.
Dự án đang được đệ trình lên chính quyền bang để được phê chuẩn này là một nỗ lực nhằm đáp ứng nhiệm vụ của bang rằng 20% lượng điện năng của California phải được sản xuất ra từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2010.
Cho đến nay, các công ty đứng đằng sau các dự án năng lượng mặt trời lớn thường thiên về công nghệ nhiệt mặt trời (Solar Thermal Technology), trong đó sử dụng các tấm gương parabol để tập trung ánh nắng mặt trời, chuyển hóa thành nhiệt đốt nóng một dạng chất lỏng dẫn tới làm quay tuabin sản sinh ra năng lượng. Công nghệ quang điện chuyển hóa trực tiếp ánh nắng mặt trời thành điện năng bên trong các tế bào mặt trời. Tập đoàn FPL Group Inc – hãng sản xuất năng lượng gió và mặt trời lớn nhất nước Mỹ cũng đã công bố kế hoạch của mình về việc xây dựng một nhà máy nhiệt mặt trời công suất 250 megawatt tại vùng Sa mạc Mojave của California.
Thụy Du (dddn)
Bình luận (0)