Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp né làm nhà xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định, các dự án bất động sản phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội song. Thế nhưng nhiều chủ đầu tư tìm đủ lý do để không thực hiện.
Rất ít nhà ở xã hội được xây dựng bằng quỹ đất 20% /// Ảnh: Ngọc Thăng
Rất ít nhà ở xã hội được xây dựng bằng quỹ đất 20%. ẢNH: NGỌC THĂNG
“Né” làm nhà ở xã hội
Theo kết quả của Thanh tra TP.HCM liên quan đến việc điều tiết nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP.HCM công bố mới đây cho thấy có 17/26 dự án chỉ ghi nhận chủ đầu tư thực hiện điều tiết nhà ở xã hội theo quy định mà không xác định cụ thể chủ đầu tư phải thực hiện.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, nhiều chủ đầu tư không bố trí 20% quỹ đất trong dự án để làm nhà ở xã hội. Trao đổi với báo giới, ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ quy định, với dự án dưới 10 ha, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Bởi vậy, nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn nộp tiền khiến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thực tế đang bị thu hẹp. Số tiền đó cũng không được bố trí cho quỹ phát triển nhà ở địa phương.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nhiều dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, thậm chí lớn hơn nhưng không dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong khu vực dự án mà hoán đổi quỹ nhà ở dự án khác hoặc được quy đổi bằng tiền. Họ sử dụng quỹ đất này để kinh doanh nhà ở thương mại và hưởng lợi lớn. Các dự án nhỏ hơn cũng chọn cách nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án, nhưng số tiền này “hòa” vào thu ngân sách mà không tách riêng ra để làm nhà ở xã hội.
Cho thấy đến nay tại TP.HCM chỉ có hai dự án của Công ty Nam Long ở quận 9 và huyện Bình Chánh có dành quỹ đất làm nhà ở xã hội trong dự án nhà thương mại, các dự án còn lại đều chọn hình thức nộp tiền. Đáng nói,  chưa có dự án nhà ở xã hội nào đến nay được xây dựng bằng nguồn tiền này.
Không cho quy đổi bằng tiền
Để vá lỗ hổng của Nghị định 100, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 49 có hiệu lực từ 1.4.2021 quy định, đối với quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại đô thị loại II và III phải dành 20% diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trường hợp dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha tại đô thị đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại đô thị loại II và III thì chủ đầu tư không phải dành 20% quỹ đất và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án theo quy định.
Tại các đô thị loại IV và loại V, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương về nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị được phê duyệt hoặc chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để yêu cầu chủ đầu tư dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp né làm nhà xã hội - ảnh 1
Từ năm 2021 các doanh nghiệp sẽ khó né việc dành quỹ đất 20% trong dự án nhà thương mại làm nhà ở xã hội. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo Bộ Xây dựng, Nghị định đã góp phần tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội như: Quy định về việc bố trí quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội; quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội…
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại địa phương. Bộ Xây dựng cũng sẽ “siết” quy định, buộc chủ đầu tư phải dành 20% đất này xây nhà ở xã hội thay vì quy đổi bằng tiền.
Theo Đình Sơn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)