Không chỉ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, các doanh nghiệp nước ngoài còn thống lĩnh cả ngành thức ăn cho thủy sản cùng nguồn cung cấp con giống, thuốc thú y.
Ảnh: minh họa – Internet |
Theo ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, hiện thị trường thức ăn cho thủy sản có 80% thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Trong đó thức ăn cho tôm là sự “độc bá” gần như 100% của các DN Uni-President (Đài Loan), CP (Thái Lan), Tomboy (Pháp)… Bên thức ăn cho cá tra thì có các DN: Cargill (Mỹ), Green Feed, Proconco (liên doanh với Pháp), Anova… chiếm thị phần cũng trên 60 – 70%.
Chiếm 80% thị phần
Theo đánh giá của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện sản xuất thức ăn cho cá tra có tên tuổi của vài DN Việt Nam như Việt Thắng, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Cỏ Mây… Các DN này tồn tại được nhờ từ lâu đã có chu trình sản xuất khép kín từ thức ăn, con giống cho đến tiêu thụ sản phẩm.
“Trong khi đó, thị trường thức ăn cho tôm hoàn toàn lọt vào tay các DN nước ngoài. Tôm là thế mạnh bậc nhất trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Diện tích nuôi tôm ngày càng mở rộng, nhu cầu thức ăn cho tôm ngày càng lớn nhưng DN trong nước không thể chen chân vào được” – ông Phạm Đức Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam lo lắng.
Không những thế, các DN nước ngoài còn nắm luôn cả thị trường cung cấp con giống và thuốc thú y cho thủy sản. Hiện hàng năm, DN nước ngoài cung cấp hàng tỷ con tôm giống cho thị trường trong nước, trong đó con giống tôm thẻ chân trắng hầu như là độc quyền của Công ty CP. “Thị trường thuốc thú y, thuốc thủy sản cũng đã rơi vào tay DN nước ngoài, họ hiện chiếm hơn 90% thị phần. Nhiều DN còn có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất thuốc thủy sản ở Việt Nam” – ông Bình cho biết thêm.
Vì thống lĩnh thị trường nên thời gian qua các DN nước ngoài này thỏa sức “làm giá”. Từ đầu năm đến nay, các DN này đã tăng giá thức ăn thủy sản 6 – 7 lần, mỗi lần 200 – 300 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi lẫn thủy sản từ trước đến nay chỉ có một chiều là tăng lên chứ chưa hề giảm.
“Trong nuôi cá tra, thức ăn chiếm tới 80% giá thành. Trong thời gian qua, quản lý nhà nước đã bỏ qua những doanh nghiệp sản xuất thức ăn dẫn đến giá tăng liên tục, từ đầu năm đến giờ đã tăng hơn 35%. Vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cá tra” – ông Nguyễn Việt Thắng nhận định.
Tăng cường mở rộng quy mô “thống lĩnh”
Đáng lưu ý, các DN nước ngoài liên tục có kế hoạch phát triển, xây dựng thêm nhà máy và mở rộng quy mô sang các lĩnh vực tiệm cận. Đại diện Công ty Uni-President Việt Nam cho biết, hiện thức ăn dành cho tôm của công ty chiếm 30% – 35% thị phần, thức ăn dành cho cá da trơn chiếm gần 10% thị trường Việt Nam.
Ngoài 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với sản lượng 300.000 tấn/năm đang có, họ còn đang đầu tư 20 triệu USD để xây dựng thêm một nhà máy nữa ở Quảng Nam, công suất 100.000 tấn/năm. Ở thị trường con giống, Uni-President Việt Nam đang có một nhà máy sản xuất từ 1 – 2 tỷ con tôm giống/năm và đang xây dựng thêm một nhà máy tương tự tại Quảng Trị.
Công ty Green Feed cũng đã tăng vốn đầu tư lên 80 triệu USD (lúc đầu chỉ có 25 triệu USD), với kế hoạch ngoài 4 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản hiện nay, họ sẽ đầu tư mạnh vào sản xuất con giống thủy sản chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Việt Nam trong năm nay.
Riêng Công ty CP Việt Nam, tháng trước, vị Tổng Giám đốc Sooksunt Jiumjaiswanglerg đã tuyên bố rằng, ngoài việc mỗi năm, cho ra đời 1 – 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sắp tới họ sẽ còn lấn sân sang lĩnh vực chế biến thủy sản với việc cho ra đời nhà máy chế biến tôm ở Huế và một nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại Bến Tre.
“CP Việt Nam sẽ đầu tư sản xuất cá tra giống và nhiều loại thuốc cho nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đưa mô hình gia công vào nuôi cá tra với nông dân trong thời gian tới” – vị tổng giám đốc này cho biết.
Theo Ngọc Minh
Dân Việt
Dân Việt
Bình luận (0)