Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngoại thâu tóm ngành vật liệu xây dựng

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất xi măng đã về tay khối doanh nghiệp nước ngoài thông qua những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Tình trạng này sẽ tiếp diễn nhiều hơn nữa trong thời gian tới nếu không có những quyết sách hợp lý.

Tấp nập mua bán

Thương vụ gần nhất diễn ra vào đầu tháng 3-2017 khi Công ty TNHH SCG Xi măng – vật liệu xây dựng (thành viên Tập đoàn SCG của Thái Lan) mua lại 100% vốn cổ phần, tương đương 156 triệu USD từ các cổ đông hiện tại của Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung. Theo đó, nếu tính cả phần phải trả nợ ròng cho VCM, cũng như các chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại này, tổng số tiền mà SCG đầu tư cho doanh nghiệp này lên đến 440 triệu USD.

Nhà máy xi măng Thăng Long. Ảnh: THÀNH TRÍ

Dây chuyền sản xuất của VCM có công suất 3,1 triệu tấn/năm. Sau khi thực hiện giao dịch này, tổng công suất xi măng của Tập đoàn SCG trong khối ASEAN (không bao gồm Thái Lan) tăng lên 10,5 triệu tấn, cùng với 23 triệu tấn ở Thái Lan. “Qua thương vụ này cho thấy, các doanh nghiệp Thái Lan đang dần lấn lướt trên thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam thông qua những thương vụ M&A”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, đánh giá. Trước đó, Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) cũng của Thái Lan cũng đã chi hàng trăm triệu USD để nắm giữ 65% phần vốn pháp định của Tập đoàn LafargeHolcim tại Công ty Holcim Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xi măng, trước đây với thương vụ mua 85% cổ phần của nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước – Công ty cổ phần Prime Group – với giá trị khoảng 240 triệu USD, đã đưa SCG trở thành đơn vị sản xuất gạch men lớn nhất thế giới vào năm 2012. Ba năm sau đó, SCG lên kế hoạch mua tiếp 15% cổ phần còn lại của Prime Group. Liên quan đến mảng vật liệu xây dựng, năm 2011, SCG cũng đã mua lại Công ty Sản xuất xi măng Bửu Long tại tỉnh Đồng Nai và đầu tư thêm 5,5 triệu USD để nâng công suất lên 200.000 tấn xi măng/năm. Còn ở thị trường ống nhựa xây dựng, các công ty trực thuộc của SCG đã mua lại hơn 20% cổ phần của Công ty cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) và gần 17% cổ phần của Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMP). Đại diện Tập đoàn SCG cho biết, đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Việt Nam với nhiều dự án khác nhau và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án khác để nâng số tiền đầu tư lên đến 1 tỷ USD trong năm nay.

Tâm tư về nguyên nhân sáp nhập, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất trong nước cho biết, việc sáp nhập giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất trong bối cảnh ngành xi măng nói riêng và vật liệu xây dựng Việt Nam nói chung đang trong tình trạng cung vượt cầu, khiến các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn. Do đó, sau sáp nhập sẽ giải quyết được những vấn đề cốt lõi được người tiêu dùng quan tâm như giá thành xây dựng rẻ. “Mặt khác, với ưu thế về vốn, thị trường, vị trí địa lý gần Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan mua lại doanh nghiệp trong nước có lợi hơn nhiều so với đầu tư từ đầu do nhà máy đã và đang vận hành hiệu quả”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Lương Quang Khải thừa nhận.

Điều chỉnh lại quy hoạch

Theo Bộ Xây dựng, công suất thiết kế của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam tính đến cuối năm 2016 đã lên tới 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tổng công suất thiết kế toàn ngành vượt 100 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tính cả đầu ra của xi măng trong nước khoảng 60 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn, thị trường vẫn dư hơn 10 triệu tấn. Đáng chú ý, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành xi măng với những cái tên như Chinfon, Nghi Sơn, Thăng Long, Holcim… đang chiếm giữ khoảng 30% thị phần. Khối này có thị trường tiêu thụ vững chắc ở trong nước, đồng thời còn phát triển mạnh được kênh tiêu thụ thông qua xuất khẩu trở lại thị trường nội địa của họ. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh trong ngành xi măng ngày càng khốc liệt, đặc biệt với doanh nghiệp trong nước đang yếu về mọi mặt.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, việc gánh nhiều thuế, phí, cộng với việc kinh doanh ngày càng khó trong điều kiện dư cung, khiến doanh nghiệp yếu đi. Đây chính là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành và tất yếu dẫn đến việc doanh nghiệp xi măng trong nước không thể tồn tại cạnh tranh và bắt buộc phải lựa chọn con đường rút lui. Tuy vậy, đây cũng là giải pháp chẳng đặng đừng nhằm giải quyết tình trạng “thoi thóp”, trước nguy cơ phá sản, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho biết, dự báo tiêu thụ xi măng trong nước năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36 – 47 triệu tấn.

Còn theo dự báo trong quy hoạch với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn, sẽ dư thừa khoảng 25 – 36 triệu tấn xi măng, thậm chí dư thừa ngay trong năm 2017. Do đó, để giải quyết bài toán nan giải hiện nay của ngành, trước mắt cần điều chỉnh lại quy hoạch ngành xi măng. Theo đó, một mặt khuyến khích áp dụng công nghệ mới, thay thế các dây chuyền cũ, lạc hậu; mặt khác không cho phép đầu tư tràn lan mà phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu. Đối với các doanh nghiệp xi măng, cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước.

Về quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy sử dụng các sản phẩm xi măng trong các chương trình công ích, như: làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm phát triển ổn định của ngành xi măng. Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, cân đối cung – cầu, nhiều dự án xi măng cần được giãn, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch. Từ năm 2018, không đưa thêm dây chuyền xi măng vào hoạt động.

Lạc Phong (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)