Từ ngày 1/7, các doanh nghiệp trong diện kiểm kê sẽ phải kê khai, kiểm kê cả tài sản là hiện vật, tài sản cố định, đất đai, các khoản đầu tư chứng khoán, kể cả những tài sản đang cho thuê, gửi giữ hộ…
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn việc đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn theo quyết định 352/QĐ-TTg ngày 10/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ (yêu cầu thí điểm kiểm kê lại tài sản, vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vốn lớn, giá trị sổ sách không còn phù hợp với giá thị trường).
Theo dự thảo, đây là đợt kiểm kê quy mô lớn vì đối tượng kiểm kê là các DNNN được các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành lựa chọn trên cơ sở tiêu biểu, có vốn lớn và tất cả tài sản đều thuộc diện kiểm kê.
Từ ngày 1/7, nhiều doanh nghiệp nhà nước sẽ phải kiểm kê tài sản. Trong ảnh: công nhân làm việc tại Tổng công ty công nghiệp đóng tàu Bạch Đằng (thuộc Vinashin) – Ảnh: Lâm Hải
Kiểm kê toàn bộ
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết các doanh nghiệp trong diện kiểm kê sẽ phải kê khai, kiểm kê cả tài sản là hiện vật, tài sản cố định, đất đai, các khoản đầu tư chứng khoán, kể cả những tài sản đang cho thuê, gửi giữ hộ, tài sản được tặng biếu, viện trợ, tài sản vô chủ hiện có trong khu vực quản lý của doanh nghiệp.
Đối với tài sản lưu động, DNNN sẽ phải kiểm kê toàn bộ các loại vốn bằng tiền, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý, chứng chỉ có giá, các loại tiền gửi ở ngân hàng, kể cả tiền mang đi liên doanh, liên kết…
Ông Vũ Quang Hải (đại biểu Quốc hội khóa XII): Phải rà soát nghiêm túc
Nguyên tắc kiểm kê là tự kiểm nên vấn đề làm sao phải đảm bảo nguyên tắc chính xác và có thể tin cậy được. Việc cho các tập đoàn tự đề xuất danh sách các công ty kiểm kê, theo dự thảo, là cách để các tập đoàn có định hướng, tuy nhiên đi kèm điều này là yêu cầu phải rà soát để phát hiện kịp thời khả năng kiểm kê chưa chuẩn, có sai trái.
Thực tế hoạt động của doanh nghiệp rất đa dạng và không dễ đánh giá đúng tài sản. Nếu các cơ quan nhà nước không sâu sát rất dễ bị vượt qua.
VN chưa có luật quản lý vốn, tài sản DNNN. Các luật đang điều chỉnh còn khiếm khuyết. Tuy nhiên, điều cần khẳng định là nếu các tập đoàn, tổng công ty tuân thủ quy định nghiêm túc thì tình hình không xấu và nếu cơ quan được phân công sâu sát, chặt chẽ thì khó xảy ra vụ việc như Vinashin. Vì vậy, cơ quan được phân công quản lý vốn, kiểm tra giám sát việc kiểm kê trách nhiệm phải cao và cần được quy định cụ thể.
|
Ngoài ra, các DNNN sẽ phải kê khai tất cả các khoản nợ ngắn và dài hạn, các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả công nhân viên, phải trả cho các đơn vị nội bộ… Doanh nghiệp sẽ phải khóa sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán tại thời điểm 30/6.
Đặc biệt, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định các doanh nghiệp phải theo phương pháp thực tế, tức cân, đong, đo, đếm từng tài sản để xác định về số lượng và giá trị. Khi kiểm kê phát hiện tài sản thừa, thiếu so với sổ kế toán, doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân. Nếu thiếu tài sản phải xác định mức độ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để yêu cầu bồi thường.
Bắt đầu từ 1/7
Để việc kiểm kê rốt ráo và nghiêm túc, dự thảo thông tư của Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải thành lập ban chỉ đạo kiểm kê và người đứng đầu phải là chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty và ủy viên là tổng giám đốc (giám đốc), đại diện công đoàn, ban kế toán…
Việc kiểm kê sẽ bắt đầu tại thời điểm 0g ngày 1/7. Tập đoàn, Tổng công ty tổng hợp kết quả kiểm kê các đơn vị của mình để báo cáo bộ quản lý hoặc UBND tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tài chính trước ngày 30/11.
Ôông Trần Hữu Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – đơn vị soạn thảo thông tư trên, cho biết dự thảo sẽ được gửi xin ý kiến các bộ ngành và lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 15 ngày.
Sau đó, Bộ Tài chính sẽ cân nhắc hoàn thiện và ban hành thông tư dựa trên những góp ý, đảm bảo thông tư theo đúng tinh thần quyết định của Thủ tướng và kịp tiến độ để các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê vào ngày 1/7.
Theo Tuoi Tre
Bình luận (0)