Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lao đao

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương có ưu điểm lớn là giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm ô tô có nguồn gốc rõ ràng, cũng như nâng cao trách nhiệm của nhà phân phối với sản phẩm bán ra. Tuy nhiên, cũng còn một số điểm đáng bàn…

Không thể phủ nhận mặt tích cực của hai nội dung chính trong thông tư 20/2011 TT-BCT. Theo đó, các công ty nhập khẩu ô tô tại Việt Nam phải có giấy phép ủy quyền của chính hãng và thỏa mãn yêu cầu của Bộ GTVT về điều kiện bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ riêng yêu cầu đầu tiên đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ô tô mới 100% đứng trước những thách thức lớn để tồn tại, nếu không muốn nói tới nguy cơ cao là phải đóng cửa.

Người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất?
Hết đường? 
“Chúng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ có được những giấy tờ mà Bộ Công thương yêu cầu, bởi những dòng xe chúng tôi nhập đều đã có nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam, nếu không muốn đóng cửa, chúng tôi đành sẽ phải nghĩ đến việc quay lại với việc mua quota nhập khẩu của họ như trước đây,” đại diện công ty Carsonnet cho biết. 
"Đây là một quyết định có lợi cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước mà bỏ qua quyền lợi và sự sống còn của hơn 4 nghìn doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong nước, trong khi chúng tôi đều thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước như nhau, vậy mà bây giờ, chúng tôi không còn được phép nhập khẩu xe mới nữa," ông Lê Thanh Hà, đại diện một doanh nghiệp trên phố Lò Đúc cho biết. 
Trong khi đó, đại diện V-AutoClub cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang đau đầu để hiểu và vận dụng thông tư này cho những lô hàng đang trên đường về Việt Nam, vì doanh nghiệp có thể hiểu “Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh…” như quy định trong thông tư là giấy ủy quyền của nhà kinh doanh chính hãng tại nước ngoài.
Nhiều công ty chuyên nhập xe thương hiệu Hàn Quốc hay xe Toyota có nguồn gốc từ Đài Loan, Trung Đông trên phố Lê Văn Lương, Láng Hạ (Hà Nội) có chung nhận định rằng, thông tư này coi như đóng sập cơ hội kinh doanh của họ hiện nay.
Đại diện công ty CP 216 trên phố Trần Khát Chân thẳng thắn: "Đây là một quyết định không công bằng trong kinh doanh đối những nhà nhập khẩu như chúng tôi với các nhà phân phối chính hãng. Tại sao chúng tôi bán xe giá rẻ hơn lại không được tiếp tục kinh doanh???"
Các doanh nghiệp cũng không giấu diếm một thực tế là hiện tại họ có rất nhiều các lô hàng từ nước ngoài đang theo đường biển để về Việt Nam trong thời gian tới, nhưng không thể đảm bảo cho những lô hàng này cập cảng trước ngày 26/6 – thời gian hiệu lực của thông tư 20/2011 TT-BCT, vì họ không thể chủ động việc này. 
Các công ty này cho biết họ chỉ còn nước “cầu trời cho tàu không gặp bão”. Trong trường hợp các lô hàng này về Việt Nam sau ngày 26/6, họ cũng chưa biết xử lí ra sao, khi chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp như vậy, trong khi vốn vay ngân hàng ngày vẫn ngày ngày "đẻ lãi" 
Đau đầu tìm hướng giải quyết 
"Hơn 4.000 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trên cả nước, với hàng vạn việc làm, chúng tôi đang đối mặt với một khó khăn rất lớn, trước mắt chúng tôi sẽ tập hợp nhau lại, cùng kí vào một bản kiến nghị với các cơ quan quản lí để có thể tháo gỡ những khó khăn này," đại diện một công ty nhập khẩu cho biết. "Về lâu dài, chúng tôi sẽ phải tìm bằng được hướng đi khác để nuôi sống mình và nhân viên, trước mắt chắc phải quay về nhập khẩu xe cũ…"
Một ý kiến khác cho biết, có thể doanh nghiệp sẽ tìm đến những thương hiệu chưa có đại diện chính hãng tại Việt Nam để đàm phán, như Samsung, Peugeot, Opel, Buick… Tuy nhiên, bài toán kinh tế chưa chắc khả thi vì hướng đi này đòi hỏi kinh phí đầu tư ban đầu cho nhà xưởng, showroom và nhân lực rất lớn, vượt quá khả năng của hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu ô tô độc lập.
Những bất cập 
Thời gian từ nay tới khi thông tư 20/2011 TT-BCT có hiệu lực không còn nhiều, nên doanh nghiệp khó có thể kịp hoàn thiện những yêu cầu nêu trong thông tư 20/2011 TT-BCT, ngay cả với các liên doanh lắp ráp ô tô trong nước. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chính hãng là điều bắt buộc, nhưng hiện tại, những văn bản hướng dẫn cho việc thực hiện “Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp” vẫn trong giai đoạn soạn thảo. 
Và ngay với Bộ Tài chính, một trong những cơ quan quản lí hoạt động nhập khẩu ô tô, cũng đang có những vướng mắc về thủ tục phát sinh từ thông tư này. Trước đây, nếu những chiếc xe ô tô được nhập khẩu về Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu để xếp vào hạng mục xe cũ (ví dụ, chạy dưới 1 vạn km) thì được xem như xe mới. Nhưng hiện chưa có hướng dẫn áp dụng quy định mới với ô tô loại này, khi mà thông tư 20/2011 TT-BCT chỉ đề cập tới xe "chưa qua sử dụng". 
Quan trọng hơn, trong tương lai, khó có thể đảm bảo sẽ không xảy ra tình trạng lũng đoạn giá trên thị trường khi giảm sự cạnh tranh. 
Tiến Công / Dan tri

Bình luận (0)