Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô lại gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ 26.6 tới đây, ôtô nhập khẩu (NK) lại tiếp tục bị thắt chặt khi mà nhiều quy định được cho là khá… oái oăm có hiệu lực.

Quy định mới gây khó
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên mới đây đã ký thông tư 20/2011 TT-BCT về quy định bổ sung thủ tục NK ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, khi làm thủ tục NK xe ôtô, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, đơn vị NK ôtô phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm: Giấy chỉ định hoặc giấy uỷ quyền là nhà NK, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô sẽ lại gặp khó khăn từ 26.6 tới.
Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định. Nếu là bản sao phải có đóng dấu xác nhận. Bên cạnh đó thì DN cũng phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26.6.
Số đông đại diện các DN cho biết chủ trương thắt chặt quản lý thủ tục NK xe ôtô – qua đó giảm nhập siêu, là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc ban hành các quy định mới thì cần có lộ trình để DN thực hiện, chứ không nên áp đặt một thời hạn quá ngắn. Các DN cho rằng, từ khi ban hành thông tư (ngày 12.5, nhưng thực tế phát hành để DN biết thì còn lâu hơn) đến thời hạn 26.6 là khoảng thời gian quá ngắn.
Với khoảng thời gian này, khó DN nào có thể xoay cho đủ các loại giấy tờ trên để đáp ứng yêu cầu khắt khe này. Bên cạnh đó, các DN cho rằng phải chăng đây là đòn “triệt hạ” DN chỉ hoạt động NK đơn thuần, qua đó tạo điều kiện lợi thế kinh doanh cho các DN hoặc đại lý được uỷ quyền hoặc phân phối chính thức.
Bên cạnh đó, việc có được “giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện” do Bộ GTVT cấp cũng là điều kiện rất oái oăm. Các DN đặt câu hỏi, việc thế nào là một “cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện?” trong khi thực chất tiêu chuẩn về một cơ sở như vậy vẫn chưa được ban hành. Đại diện các DN bức xúc cho rằng, đây thực sự như một dạng đánh đố DN với những điều kiện và khoảng thời gian mà DN không thể thực hiện nổi.
Thiệt hại ai gánh chịu?
Trao đổi với phóng viên, đại diện các DN cho biết, việc Bộ Công Thương đột ngột ban hành thông tư này mà không tham khảo sự góp ý hay lấy ý kiến cộng đồng DN thực sự là bước đi vội vàng.
Theo các DN thì hiện nay, cả nước có tới 1.700 DN NK ôtô. Đây chủ yếu là các DN vừa và nhỏ. Chính vì thế, sẽ không bao giờ các DN này có được giấy uỷ quyền phân phối chính hãng của nhà sản xuất, vì nhà sản xuất bao giờ cũng chỉ chọn một nhà đại lý chính hãng phân phối độc quyền.
Thậm chí, nhà sản xuất sẽ lập DN liên doanh giống như Toyota VN để tiến hành NK. Bên cạnh đó, việc NK xe từ các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ sẽ mất khoảng thời gian từ 60-75 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đến khi xe về VN. Việc DN chỉ có hơn 1 tháng để xoay những thủ tục này là không thể. Trong trường hợp DN không thể huỷ hợp đồng, khi xe về cũng không thể thông quan thì phải chăng DN sẽ chỉ còn nước phá sản?
Đặc biệt, các DN này cũng bức xúc cho rằng với 1.700 DN, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động, bên cạnh đó là việc bỏ ra cả đống tiền xây dựng kho bãi, showroom…; nếu DN bị ép phá sản thì thiệt hại sẽ vô cùng to lớn. Khi đó, không chỉ DN thiệt thòi mà nguồn lực đầu tư xã hội sẽ bị lãng phí, gánh nặng việc làm cũng là sức ép không nhỏ. Đại diện các DN này cũng cho biết, họ đang có ý định tập hợp ý kiến để có kiến nghị lên Bộ Công Thương nhằm có những bước đi phù hợp hơn, tạo điều kiện để cộng đồng DN cùng phát triển.
Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)