Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về việc tháo gỡ ngay những quy định bất hợp lý trong kiểm dịch các sản phẩm thực vật, nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi khi về Việt Nam do có quá nhiều thủ tục nhiêu khê, ngày 26-5, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức cuộc đối thoại cởi mở với các doanh nghiệp có liên quan.
Chực chờ xin hồ sơ
Trước cuộc họp này một tuần, từng có thông tin phản ánh với Bộ trưởng Cao Đức Phát tại hội nghị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi rằng có trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng về tới cảng Hải Phòng nhưng không được làm thủ tục kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch cảng trả lời không có đủ cán bộ để làm thủ tục. Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại ngày 26-5, hầu như đại diện các doanh nghiệp có mặt đều cho rằng các quy định và thủ tục kiểm dịch theo yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật hiện nay đều khá thông thoáng, không gây cản trở, “nay làm kiểm dịch thì mai có kết quả”. Song điều mà các doanh nghiệp bức xúc là hàng nguyên liệu nhập về Việt Nam bị tồn đọng, lưu cữu ở cảng quá lâu do các thủ tục nhiêu khê, cơ quan quản lý có liên quan tới hoạt động làm thủ tục cho doanh nghiệp được thông quan thiếu trách nhiệm đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp về kinh tế lẫn chất lượng hàng nhập khẩu.
Theo trần tình của bà Trần Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Nam, tình trạng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập về bị ách tắc tại các cảng bắt đầu nóng lên kể từ đầu năm 2015 đến nay, do mặt hàng này hiện nay không chỉ chịu sự kiểm soát của hai cơ quan gồm Cục Bảo vệ thực vật (kiểm tra dịch hại), ngành hải quan (làm thủ tục thông quan) mà còn thêm cả Cục Chăn nuôi của Bộ NN-PTNT kể từ khi có lệnh yêu cầu kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên cơ quan kiểm tra chất lượng là Cục Chăn nuôi lại đang gây khó dễ cho doanh nghiệp về mặt thủ tục. “Chúng tôi đến nộp hồ sơ vào thứ hai và hẹn trả vào thứ năm nhưng đến thứ năm rồi thứ sáu cũng không có. Cán bộ, nhân viên của cục trả lời do lãnh đạo chưa ký nên chưa hoàn thành hồ sơ nhập khẩu. Trong khi hàng của tôi nằm lưu kho lưu bãi thêm một ngày là đội thêm cả đống chi phí, tới mức tôi phải nổi cáu nói rằng chúng tôi phải mất chi phí làm thủ tục chứ không phải là miễn phí mà bị gây khó dễ như thế này”, bà Trần Thu Thủy bức xúc.
Theo đại diện của phía doanh nghiệp, nghịch cảnh khi thời gian hàng từ Thái Lan, Ấn Độ về cảng Việt Nam còn nhanh hơn nhiều thời gian ngồi chờ nhận hồ sơ thủ tục để được thông quan. “Hàng từ cảng Thái Lan về Việt Nam chỉ có 2-3 ngày nhưng thời gian chờ thủ tục tới 4-5 ngày. Vì quá nóng ruột, chúng tôi phải cử một người ngày nào cũng tới chực chờ ở Cục Chăn nuôi để xin hồ sơ. Nếu doanh nghiệp ở ngoại tỉnh thì còn phải chờ thêm 5-6 ngày hồ sơ chuyển phát về nữa là 10-11 ngày chờ đợi”- bà Trần Thu Thủy tiếp tục lên tiếng. Đây là tình trạng chung và cũng là nỗi bức xúc của nhiều doanh nghiệp.
Nuôi cá Koi (cá cảnh) xuất xứ từ Nhật Bản tại Công ty TNHH TM & DV Hải Thanh. Ảnh: Kim Ngân |
Xử lý ngay nếu có nhiêu khê, gây khó dễ
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm 2014 các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 4,8 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về để phục vụ nhu cầu trong nước, tương ứng với 11 triệu tấn sản phẩm, trong đó khoảng hơn 10 triệu tấn phải thông qua hai cơ quan là Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chăn nuôi để được thông quan. “Trên thực tế, tôi trao đổi với các doanh nghiệp thì các thủ tục kiểm dịch thực vật được tháo gỡ và không có gì vướng mắc cả” – ông Lê Bá Lịch nói.
Trên tinh thần khá cởi mở, ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nói rằng không có chuyện cán bộ kiểm dịch thực vật gây khó khăn cho doanh nghiệp về hồ sơ thủ tục. “Cho đến nay, chúng tôi đã nỗ lực giảm từ 8 loại xuống còn 3 loại giấy tờ thủ tục đối với nhóm hàng nhập khẩu và từ 6 loại xuống còn 1 loại cho hàng xuất khẩu” – ông Hoàng Trung nói. Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng phủ nhận việc có tình trạng cơ quan kiểm dịch tại cảng Hải Phòng nói rằng không có cán bộ kiểm dịch kịp vì không có đủ người. “Hiện tổng số lượng cán bộ của ngành kiểm dịch có hơn 600 người, trong đó riêng tại 9 vùng kiểm dịch là 300 người, khi cần có thể điều động nên không có lý do gì mà lại không có đủ cán bộ đi kiểm dịch. Nếu doanh nghiệp nào thấy có tình trạng như vậy, hãy gọi cho lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi sẽ xử lý ngay” – ông Trung khẳng định.
Ông Hoàng Trung cũng cho rằng, sở dĩ có những thông tin sai lệch vì trên thực tế có hiện tượng nhiều doanh nghiệp không trực tiếp đi làm hồ sơ thủ tục mà thuê doanh nghiệp bên ngoài, công ty dịch vụ mà các “cò” dịch vụ này luôn kiếm cớ để có lợi nhất cho mình từ doanh nghiệp. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng nhấn mạnh, theo quy định các lô hàng nhập về chỉ kiểm tra theo xác suất 10% và có thể tùy theo số lượng hàng nhưng không có chuyện mở tung 100% để kiểm soát, trừ trường hợp phát hiện có dịch hại thì phải tăng cường tần suất kiểm tra theo quy định và sau hai lần không còn phát hiện vi phạm thì lại kiểm tra với tần suất thông thường.
PHÚC HẬU
(SGGP)
Bình luận (0)