Dù đã rất cố gắng nhưng các doanh nghiệp nhỏ cung cấp hàng hóa vẫn khó có được hợp đồng lâu dài với các kênh bán lẻ lớn.
Tại hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2013 diễn ra tại TP.HCM ngày 7-11, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhận định: “Cần có các hoạt động để đưa hàng hóa từ các tỉnh vào hệ thống phân phối trong dài hạn”.
Người mua – kẻ bán: Đang tìm nhau
Ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Khê, cho biết rất khó khăn nếu các doanh nghiệp nhỏ đơn phương tìm đến các kênh bán lẻ, nguyên nhân là do quy mô doanh nghiệp đa phần chưa lớn, uy tín chưa cao. Điều quan trọng là phải xây dựng niềm tin, uy tín cho sản phẩm cũng như quan hệ tốt với các nhà phân phối.
Tuy nhiên, ông Thái cũng lạc quan cho biết sản phẩm rau của công ty ông đã có mặt tại Co.op mart Long An, KCN Sóng Thần Đồng Nai. “Chúng tôi xem thành phố là thị trường tiềm năng, mong muốn sản phẩm của mình đến với người dân ở nhiều phân khúc, ở các kênh bán lẻ khác” – ông Thái cho biết.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối cung cầu ở TP.HCM ngày 7-11. Ảnh TÚ UYÊN
Cùng định hướng với ông Thái, bà Đinh Thị Bích Ngọc, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Bộ Công ty Cổ phần XNK An Giang, cho biết để làm ăn với các nhà phân phối, phải tuân thủ những nguyên tắc của họ. Ví dụ, mặt hàng gạo phải có chứng nhận GlobalGap, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các kênh bán lẻ có khi đòi hỏi hỗ trợ chi phí trưng bày, các chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao… trong khi lợi nhuận từ mặt hàng gạo không lớn nên gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bà Ngọc cũng cho biết hiện Công ty XNK An Giang vẫn đang theo đuổi các tiêu chí cần thiết để tiếp cận, thâm nhập vào các hệ thống phân phối như Metro, Citimart, Big C…
Doanh nghiệp nhỏ còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, phải thừa nhận là hàng hóa từ các DN vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành phía Nam siêu thị Big C, phân tích: “Các DN vừa và nhỏ cung cấp nông sản với chất lượng còn kém. Ví dụ, trái cây được nhập về có khi quá chín hoặc lắm lúc quá xanh”.
Ông Hải còn lưu ý DN vừa và nhỏ không cung cấp đủ lượng hàng khi có nhu cầu đột biến, nhất là đối với hàng nông sản. Cùng quan điểm này, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết thêm các DN vừa và nhỏ do chưa được hỗ trợ và định hướng của địa phương, nên họ chỉ biết sản xuất tới đâu bán tới đó.
Việc thiếu quy hoạch trong sản xuất khiến các DN còn lúng túng, người nông dân sản xuất khi thừa khi thiếu nên nguồn cung kém ổn định. Thế nên nhà phân phối không dám cả tin vào các DN vừa và nhỏ. Ông Mười nhấn mạnh phải có chiến lược tiếp cận thông tin và dự báo được nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn cung ổn định trong dài hạn.
Bên cạnh đó, các chứng từ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được DN vừa và nhỏ xem trọng. Thậm chí giấy tờ hết hạn mà DN cũng không đổi, có khi còn… không biết. Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Metro, kể: “Các DN vừa và nhỏ thiếu các chứng từ chất lượng như giấy chứng nhận của các cơ quan, tổ chức kiểm định”.
Ông Hưng còn chỉ ra thực trạng mẫu mã, quy cách sản phẩm của DN vừa và nhỏ thường không phù hợp yêu cầu. Uy tín và chiến lược quảng bá sản phẩm cũng là những bài toán mà DN cung cấp hàng còn quá xem nhẹ.
Để khắc phục tình trạng DN nhỏ sản xuất hàng hóa không theo quy chuẩn về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm… Các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cần hướng dẫn các nhà sản xuất thực hiện các thủ tục về mặt pháp lý, nhất là thủ tục về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông NGUYỄN XUÂN HẢI, Giám đốc điều hành phía
Nam Siêu thị Big C |
TÚ UYÊN (PLO)
Bình luận (0)