Nguyễn Văn Điệp, công nhân cơ sở nhựa tái chế ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh làm 1 ngày nghỉ 3 ngày vì cơ sở làm ăn khó khăn. Ảnh: TUY AN |
Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ kinh doanh, buôn bán ế ẩm. Chủ mang nợ còn công nhân sinh… tật.
Cầm cự nuôi cơm
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến “nồi cơm” của không ít người. Doanh nghiệp lớn “chết” theo kiểu lớn, nhỏ “chết” theo kiểu nhỏ. Anh Văn Vĩnh, chủ cơ sở may mặc ở phường Tân Thành, Tân Phú cho biết: “Từ năm ngoái đến nay không có hàng để làm. Mình đưa người từ ngoài quê vào, phải lo chỗ ăn, ở, trả lương, tình trạng này không biết cầm cự được bao lâu”.
Cơ sở may gia công của anh Phan Phước Tám (quận Tân Phú) mấy năm trước luôn rộn ràng tiếng máy may, tiếng thợ nhưng nay trong tình trạng vắng vẻ. Anh Tám tâm sự: “Mấy năm trước cơ sở của tôi lúc nào cũng có 40-50 công nhân, hàng thì làm không kịp giao. Từ nửa cuối năm ngoái đến bây giờ không có hàng nhưng mình vẫn phải nuôi cơm, tết phải lo tiền xe ra vào, lương bổng cho công nhân. Hiện phải chạy đôn chạy đáo tìm hàng may cầm cự chứ không dám cho công nhân nghỉ nhiều sợ sau này có hàng mà công nhân không có. Tuyển công nhân mới phải mất thời gian đào tạo nữa, cực lắm”.
Võ Thị Sáu, thợ may tại cơ sở anh Tám cho biết: “Mấy năm trước cứ làm thâu đêm, không có thời gian nghỉ. Làm cực vậy nhưng vui. Từ cuối năm ngoái đến nay tụi em chơi không. Ở không ăn lương, cơm nước của chủ ngại lắm. Tụi em xin nghỉ nhưng chủ không cho. Chủ không nói gì nhưng thấy cảnh làm ăn ế ẩm như vậy mình không vui vẻ gì”.
Cùng tình cảnh lao đao như vậy, anh Minh chủ cơ sở giày dép ở phường Tây Thạnh, Tân Phú không cầm cự nổi đành “giảm biên chế” 2/3 công nhân. Tuy nhiên, với tiền thuê nhà, tiền lương, lo ăn uống cho số công nhân còn lại là một gánh nặng. Cơ sở bao bì của ông Bang ở phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân cũng chẳng khá hơn. Anh Phong, thợ lâu năm của cơ sở này lắc đầu: “Mấy năm trước, mỗi tuần xuất bốn, năm container hàng, nay tháng có tháng không. Ở không đi chơi, cà phê, nhậu hoài thì chán nhưng xin chủ nghỉ họ lại không cho vì khi có hàng, không làm kịp là đền hợp đồng”.
Anh Khiêm, giám đốc công ty TNHH N.Đ. tại quận 10 chuyên kinh doanh linh kiện điện tử, vi tính cũng đang xây xẩm mặt mày vì tiền thuê nhà, tiền điện nước… Nhân viên cứ lần lượt “chia tay” công ty. Từ đầu năm đến nay tình hình kinh doanh cũng không sáng sủa hơn, anh luôn phải nhức đầu vì ngày nào cũng có người tìm đến đòi nợ, trong khi hàng tồn kho ngày càng mất giá, chỉ còn biết bán đổ bán tháo.
Nhàn cư vi bất thiện
Anh Tám tâm sự: “Công nhân ở cơ sở của tôi hầu hết là người cùng quê, là bà con, anh em với nhau nên tin tưởng lắm. Nay thấy tụi nó hay qua lại, đi chơi với thành phần bất hảo, tôi ngại lắm, nếu có chuyện gì xảy ra mình lại mang tiếng. Biết vậy nhưng rất khó nói”. |
Trong lúc các ông chủ lao đao, công nhân lại sinh tật, tập tành ăn chơi. Nếu như trước đây công việc vùi đầu vùi cổ thì nay các cô gái quê chỉ biết ăn rồi ngủ. Nay vì quá nhàn rỗi, nhiều cô gái mới lớn tập tành ăn chơi đua đòi.
Không chỉ các ông chủ mới có nỗi niềm, ngay chính bản thân những người làm công thời suy thoái kinh tế này cũng tự nhận thấy mình ngày càng hư hỏng. Anh Phong cho biết: “Trước đây anh em trong xưởng ít ăn nhậu, giờ rảnh quá nên sinh… tật. Riết rồi quen, anh em cứ ứng tiền của chủ để nhậu, cá độ bóng đá, số đề…”. Với anh Khiêm thì gần như mất tất cả. Cơ ngơi, tiền bạc anh gầy dựng bao năm đã “đội nón ra đi” theo những chuyến hàng tồn kho. Cô bạn gái mà anh hứa hẹn sẽ cưới vào cuối năm rồi nhưng vì làm ăn khó khăn chưa tổ chức được. Gia đình bạn gái cho rằng anh “đánh bài chuồn” nên tạo áp lực. Chia tay bạn gái, nợ nần chồng chất, anh Khiêm lại tìm đến rượu. “Từ một giám đốc, nay thành con nợ tiền tỉ, bạn gái bỏ đi lấy chồng”. Anh Khiêm nói với giọng chua chát.
Vũ Việt Giang
Bình luận (0)