Tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME), Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về tiêu chí xác định, hỗ trợ công nghệ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, các DN SME chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, nghị định nêu rõ trong từng thời kỳ, các DN SME khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất – kinh doanh.
Muốn được hỗ trợ, các doanh nghiệp SME phải đáp ứng tiêu chí theo quy định
Muốn được hỗ trợ, các DN trên phải đáp ứng tiêu chí theo quy định, đồng thời chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất của nhà nước trong cùng một giai đoạn. Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi DN được hỗ trợ lãi suất đối với 1 phương án, dự án sản xuất – kinh doanh trong cùng một giai đoạn. DN vay vốn được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.
Trong từng thời kỳ, mức chênh lệch lãi suất được ngân sách cấp bù cho khoản vay của các DN SME thông qua tổ chức tín dụng là 2%/năm. Các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay có hỗ trợ lãi suất trong phạm vi dự toán ngân sách bố trí; thực hiện tạm ứng, thanh toán, quyết toán theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
DN SME được hỗ trợ lãi suất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin cung cấp liên quan tới phương án, dự án sản xuất – kinh doanh; hoàn trả số tiền được hỗ trợ lãi suất khi vi phạm các quy định về hỗ trợ lãi suất và pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng…
T.Phương (theo NLĐ)
Bình luận (0)