Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp như… cá trên thớt

Tạp Chí Giáo Dục

Sự thiếu thống nhất trong hướng dẫn thực hiện thủ tục thuế giữa thuế và hải quan, giữa các cơ quan thuế với nhau đã gây khó và đẩy phần thiệt về phía doanh nghiệp

Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp (DN) TP HCM về cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan diễn ra sáng 5-11 tại TP HCM đã ghi nhận nhiều ý kiến thắc mắc của DN liên quan đến chính sách, thủ tục thuế.
Trầy trật xin hoàn thuế
Đại diện Công ty Minh Luân (chuyên nhập khẩu máy kéo nông nghiệp từ Nhật về và sửa chữa, tái xuất sang châu Âu, Nam Mỹ, Mỹ) thắc mắc: Trước khi nhập hàng về, công ty đã gửi công văn đến hải quan xin hướng dẫn loại hình nhập khẩu và được hướng dẫn là loại hình tạm nhập tái xuất. Theo luật, hàng hóa tạm nhập tái xuất thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Thế nhưng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho rằng hàng hóa của Công ty Minh Luân không thuộc đối tượng được hoàn thuế. 20 ngày nay hàng về đến cảng nhưng công ty lúng túng không biết mở tờ khai loại hình nào cho phù hợp.
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại TP HCM Ảnh: Hồng Thuý
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết vướng mắc của DN nằm chỗ Cục Giám sát quản lý và Cục Thuế Xuất nhập khẩu không thống nhất nhau. “Theo tôi, ý kiến của Cục Giám sát quản lý là đúng vì trước khi tạm nhập DN đã có văn bản xin ý kiến hải quan nên về mặt pháp luật phải được hoàn thuế. Tôi yêu cầu hải quan phải hoàn thuế ngay cho DN. Đối với lô hàng đã về cảng, Cục Hải quan TP HCM nên có văn bản gửi Bộ Tài chính để bộ hướng dẫn cho DN. Đây là loại hình tương đối mới ở Việt Nam, không nên thu thuế để khuyến khích DN” – Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Cũng khốn đốn vì không được hoàn thuế GTGT, đại diện Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh, bức xúc cho biết 25 tỉ đồng tiền thuế GTGT xin hoàn từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo đại diện Công ty Duy Anh, năm 2012, công ty nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT 25 tỉ đồng, cơ quan thuế đã kiểm tra 2 lần, quyết định cho hoàn nhưng sau đó ra văn bản thông báo không được giải quyết hoàn thuế vì hàng tồn kho nhiều. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, phải đến năm 2014, trường hợp hàng tồn kho 12 tháng liền mới không được hoàn thuế GTGT.
Đã khánh thành đưa vào hoạt động dự án nhà máy sữa bột quy mô lớn ở Bình Dương, hiện Công ty Vinamilk đang trầy trật… xin hoàn thuế. “Nhà máy đặt ở Bình Dương, đầu tiên đăng ký là Công ty TNHH MTV 100% vốn Vinamilk, sau đổi thành đơn vị trực thuộc Vinamilk. Tháng 3-2012, công ty được hoàn thuế 1 phần ở Cục Thuế TP HCM nhưng sau đó thông tư 06 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoàn thuế GTGT có hiệu lực, theo đó dự án chuyển sang hoàn thuế tại tỉnh Bình Dương. Thế nhưng, cơ quan thuế Bình Dương không chấp nhận. “Tháng 9-2012 chúng tôi đã có văn bản hỏi Tổng cục Thuế, đến tháng 5-2013 nhận được phản hồi. Tháng 6-2013 chúng tôi gửi tiếp văn bản đến Bộ Tài chính nhưng chưa nhận được phản hồi” – đại diện Công ty Vinamilk cho biết.
“Ông nói gà, bà nói vịt”
Không chỉ khốn đốn với hành trình xin hoàn thuế GTGT, một số DN còn bị thiệt hại nặng do bị truy thu thuế. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất AVAL cho biết tháng 12-2012, công ty nhận quyết định truy thu thuế GTGT 5% đối với mặt hàng bình xịt côn trùng. Nguyên nhân do trước đó Cục Thuế TP HCM hướng dẫn thuế GTGT đối với mặt hàng này là 5%, thanh tra Bộ Tài chính thanh tra công ty và “phán” thuế GTGT là 10%. “Thuế GTGT là thuế gián thu, chúng tôi không thể đòi lại chênh lệch 5% của khách hàng trước đây để đóng thuế. Ngoài ra, từ khi bị truy thu và áp mức thuế GTGT 10%, chúng tôi không bán được hàng vì giá cao hơn các đơn vị chịu thuế 5%. Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn đến Cục Thuế TP HCM, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhưng công văn chuyển lòng vòng và hiện đang nằm ở Thanh tra Bộ Tài chính” – đại diện AVAL phản ánh.
Tương tự, đại diện một công ty chuyên đóng tàu xuất khẩu ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết theo hướng dẫn của Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu, DN phải nộp thuế nhà thầu nước ngoài đối với những mặt hàng nhập khẩu về sản xuất để xuất khẩu mặc dù các mặt hàng này đã kê khai nộp thuế xuất nhập khẩu. Giải thích điều này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết thuế với máy móc thiết bị DN nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam thì phải chịu thuế nhà thầu. Trường hợp DN nhập về sản xuất, bán ra nước ngoài và bảo hành bảo dưỡng cho khách hàng ở nước ngoài thì không phải chịu thuế nhà thầu. Bộ Tài chính sẽ có trả lời bằng văn bản cho DN.
Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến hoàn thuế, việc thực hiện theo các biểu mẫu, chứng từ của cơ quan thuế cũng gây áp lực đối với DN, cụ thể là bộ phận kế toán. Những rắc rối này tưởng nhỏ nhưng rất phiền phức và DN có thể bị phạt hoặc gây khó dễ. “DN như cá nằm trên thớt, thuế nói gì cũng không dám cãi và hễ làm việc với các chi cục thuế là… xanh mặt. Thông tư phải rõ ràng chứ mỗi người hiểu mỗi kiểu thì DN bạc tóc” – đại diện một DN nói.
Khổ vì hóa đơn
Liên quan đến vấn đề mua và phát hành hóa đơn, một số DN không đồng tình với cách giải quyết đẩy phần khó về phía DN của cơ quan thuế. Có những trường hợp công ty đã mua hàng từ 4-5 năm trước, nay quyết toán thuế, cán bộ thuế thẩm tra phát hiện đơn vị bán hàng mua hóa đơn hoặc bỏ trốn thì hóa đơn đó không được tính hợp lệ. “Thật vô lý khi chúng tôi buộc phải chịu trách nhiệm cho những DN đã bỏ trốn hoặc mua hóa đơn. Cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho DN hoạt động thì phải chịu trách nhiệm khi DN bỏ trốn, chứ sao buộc DN phải chịu trách nhiệm” – ông Nguyễn Phan Long, DNTN Nguyễn Phong Lan bức xúc. Trả lời, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã có hướng dẫn tháo gỡ. Cụ thể: hóa đơn phát hành trước khi DN bỏ trốn thì được tính là hợp lệ, sau khi bỏ trốn thì không hợp lệ. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế lập, công bố danh sách DN bỏ trốn trên website ngành thuế để DN theo dõi.
Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)