Trên địa bàn TPHCM, các cơ quan chức năng đã cấp phép, phê duyệt cho 1.166 dự án BĐS (BĐS), đến nay chỉ có trên 16% số dự án là hoàn thành, gần 84% còn lại đều trong tình trạng dang dở, một tỉ lệ đáng kể được xác định là đã “chết”.
Hàng tồn kho, khiến DN BĐS trong nước khốn đốn. Ảnh: Quỳnh Mai. |
Đây là hậu quả của một thời sa đà chạy theo phong trào đầu tư vào BĐS, khi nội lực chưa đủ mạnh.
Thở bằng mũi của NH
Nằm trong nhóm giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn của UBND TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM vừa làm một cuộc khảo sát về tình hình của các dự án nhà ở, DN BĐS. Đợt khảo sát đã cho ra một bức tranh đáng ngại về tình hình DN BĐS. Theo đó, trong tổng số 1.166 dự án đã được phê duyệt, đến thời điểm này có 195 dự án đã hoàn thành (chiếm hơn 16%). Có gần 70% số dự án (815/1.166) đang trong tình trạng dở dang ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, chiếm tỉ lệ lớn là những dự án đang bồi thường dở dang, một số khác đang được xây dựng trong tình trạng nửa chừng.
Một tỉ lệ nhỏ dự án đã buộc phải ngừng triển khai hoàn toàn. Về nguyên nhân, chủ yếu là do thiếu vốn, NH không cho vay hoặc vay với lãi suất cao đầu tư không hiệu quả trong bối cảnh đầu ra của thị trường BĐS gần như phẳng. Các dự án BĐS bị đình đốn vì chủ đầu tư thiếu vốn đã khởi động cho hàng loạt các vụ tranh chấp không có điểm kết thúc giữa chủ đầu tư và khách hàng. Có thể thấy hiện tượng này qua một loạt các dự án như Happy House, Quốc Cường Gia Lai… diễn ra trong thời gian qua.
Hậu quả của tình trạng sa đà chạy theo BĐS, đầu tư BĐS theo phong trào và quản lý thị trường BĐS một cách lỏng lẻo đang dần hiện rõ qua thực trạng khó khăn của các DN BĐS. Với một “thể trạng” ốm yếu về tài chính, hầu hết các DN BĐS đều phải lệ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay NH. Một chuyên gia khá nổi tiếng từng cho rằng, DN BĐS Việt Nam “thở bằng mũi của NH”, chỉ cần những thay đổi trong chính sách tiền tệ, DN BĐS sẽ lâm nguy. Thực tế, diễn biến của thị trường trong thời gian qua diễn ra đúng như vậy.
Trông người lại ngẫm đến ta
Trong khi DN BĐS trong nước đang khốn đốn thì ngược lại các DN BĐS nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TPHCM vẫn duy trì được hoạt động một cách bình thường. Dự án Celadon City, diện tích 82ha, tổng vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng của liên doanh giữa Sacomreal và Cty Gamuda (Malaysia) vẫn đang triển khai xây dựng bất chấp khó khăn trong hiện tại.
Ngoài ra, một số Cty khác như Capitaland vẫn đang triển khai một số dự án họ đã mua một phần như Khang An… Không chỉ vậy, nhiều DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS vẫn tiếp tục đẩy mạnh mua vào. Điểm khác biệt trong bức tranh DN BĐS nước ngoài và trong nước ở đây theo chuyên gia Nguyễn Vĩnh Minh Thành đó là sử dụng đòn bẩy tài chính.
Các DN nước ngoài họ cũng sử dụng đòn bẩy tài chính nhưng với mặt bằng lãi suất ổn định dưới 5%/năm, và nguồn vốn có tính dài hạn khi mang vốn vào thị trường BĐS Việt Nam họ có lợi thế nhất định. Cho dù thị trường có bị đóng băng 3 -5 năm thì số lãi họ phải gánh thêm cũng chỉ dưới 20% số vốn họ đã vay. Thêm vào đó, DN BĐS nước ngoài thường có tiềm lực tài chính rất mạnh. Vì vậy, khi thị trường BĐS có biến động khó khăn trong vài năm thì họ vẫn có thể giữ được sự ổn định, vượt qua khó khăn.
Ngược lại, đối với DN trong nước việc sử dụng đòn bẩy tài chính, hay nói cách khác sử dụng quá nhiều vốn vay của NH trong đầu tư vào BĐS là con dao hai lưỡi. Một khi “gió” thuận chiều, thị trường có đầu ra tốt thì DN vẫn có thể làm ăn được. Điều này có thể thấy rõ qua diện mạo của thị trường BĐS trong những năm 2006 -2008. Tuy nhiên, khi gió ngược chiều, đòn bẩy tài chính lại trở thành thòng lọng thắt cổ DN. Điều này có thể thấy rõ qua hiện trạng DN BĐS hiện nay.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Vĩnh Minh Thành: “Trước khi có Luật Kinh doanh BĐS, điều kiện tài chính để triển khai một dự án BĐS rất thoáng, các dự án ra đời một cách khá dễ dàng. Khi triển khai, tất cả các khâu từ bồi thường GPMB, thiết kế, xây dựng đều sử dụng nguồn vốn NH. Chỉ cần thị trường gặp khó khăn trong 3 -5 năm, với mặt bằng lãi suất cao như Việt Nam, số nợ DN phải gánh bằng 100% số vốn đã vay”.
Theo Ngọc Huân
Lao động
Lao động
Bình luận (0)