Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, nhiều làng nghề truyền thống cũng như các doanh nghiệp OCOP đang tất bật sản xuất để kịp có đủ hàng cung ứng cho thị trường dịp Tết. Khối lượng các mặt hàng sản xuất đều tăng 20-30% so với năm trước…
Sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo Dr Trung sẽ đủ loại giá để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng
Làng nghề nhộn nhịp
Những ngày này, các hộ dân làm nước mắm truyền thống tại Nam Ô (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang tất bật vào vụ. Tại các xưởng nước mắm, công nhân có mặt từ rất sớm, bắt đầu công việc lọc mắm, đóng chai, dán nhãn để sẵn sàng bán ra thị trường.
Tại cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ – một trong những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống lớn, có hơn 10 công nhân đang làm việc. Anh Bùi Thanh Phú – chủ cơ sở – cho biết: “Đầu tháng 11 âm lịch đã có các doanh nghiệp đặt hơn 2.000 lít nước mắm. Các đơn đặt hàng làm quà tặng cuối năm vẫn đang tiếp tục, nhiều nhất là đơn hàng của các tỉnh phía Bắc như Hà Nội. Để kịp tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở đang đẩy nhanh việc lọc mắm, chiết xuất mắm và đóng chai”.
Năm nay, cơ sở của anh Phú dự kiến tăng 50% sản lượng bán ra thị trường với khoảng 8.000 lít.
“Tuy hiện nay một số nguyên vật liệu, giá thuê nhân công tăng hơn năm trước nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên mức giá để chia sẻ với người tiêu dùng”, anh Phú cho biết thêm.
Ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô – cho biết: “Làng nghề có 69 hộ dân giữ nghề truyền thống làm nước mắm. Các công đoạn làm nước mắm ở làng đều được kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Người làm nghề chúng tôi luôn mong muốn đưa đến bàn ăn của người tiêu dùng chén nước mắm chất lượng nhất, hương vị đặc trưng. Điều đó tạo nên thương hiệu của nước mắm Nam Ô nức tiếng khắp nơi”.
Cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hương Làng Cổ tại Nam Ô tăng sản lượng so với năm trước
Tại Đà Nẵng, nhiều làng nghề truyền thống khác như bánh tráng Túy Loan, khô mè Cẩm Lệ… bà con cũng đang đẩy nhanh sản xuất để cung ứng ra thị trường các sản phẩm “quà quê”. Với kỳ vọng kinh tế dần phục hồi, nhiều cơ sở đều tăng số lượng sản xuất hàng hóa Tết.
Doanh nghiệp OCOP chú trọng mẫu mã
Bà Mai Thị Ý Nhi – đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Foods, thương hiệu bánh dừa nướng Topcoco – cho biết, năm nay công ty dự kiến tăng sản lượng sản xuất khoảng 20-30%. Sản phẩm tập trung vào 2 loại hàng hộp và hàng ký. Hàng hộp sẽ phối 4 vị trong một giỏ quà để khách đi biếu và loại hàng ký để người dân sử dụng trong Tết. Bánh dừa nướng Topcoco là sản phẩm OCOP đầu tiên đủ tiềm năng đạt chuẩn 5 sao của Đà Nẵng, hiện đang dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu tại TP. Mẫu mã hàng hóa được chú trọng từng chi tiết để tăng thêm tính thẩm mỹ cho sản phẩm xuất bán ra thị trường Tết cũng như xuất khẩu đi nước ngoài.
Tại Công ty CP Vinseed, thương hiệu đông trùng hạ thảo Dr Trung đạt chuẩn OCOP 4 sao cũng đang thiết kế tăng vẻ đẹp cho các sét quà Tết.
Bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng – cho biết, theo kế hoạch dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, Đà Nẵng đã, đang và sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khuyến mại, kích cầu mua sắm. Theo đó có các chương trình như “Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm”; “Chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng”; đặc biệt là “Hội chợ Xuân 2024 Đà Nẵng” với quy mô khoảng 250 gian hàng… Ngoài ra, UBND các quận, huyện cũng tổ chức một số chương trình, hoạt động kích cầu mua sắm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết như: Hội chợ triển lãm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Đà Nẵng năm 2023; Lễ hội Tết Việt 2024… Cũng theo bà Phương, Đà Nẵng đặt mục tiêu vào năm 2025, 56/56 xã/phường đều có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, khoảng 135 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên. Tổng kinh phí dành cho chương trình phát triển OCOP giai đoạn 2022 đến 2025 của TP là khoảng 30 tỷ đồng.
|
Anh Nguyễn Thiện Khiêm – Phó Giám đốc công ty – cho biết, mọi năm công ty tập trung vào các set quà cao cấp có giá từ 800 ngàn đồng trở lên. Năm nay đã thiết kế các set quà có giá trị từ 300-600 ngàn đồng, thêm các sản phẩm mới có giá cả phải chăng như mứt gừng đông trùng, trà khổ qua rừng đông trùng để phù hợp với chi tiêu của người dân. Dự kiến hàng Tết năm nay công ty sản xuất sản lượng tăng 20-30% so với Tết năm ngoái. Hiện nay, người dân ngày càng chú trọng đến sức khỏe, ăn uống theo xu hướng healthy, sạch lành nên công ty năm qua tập trung nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm mới có giá mềm và vẫn đảm bảo theo chuẩn healthy.
Theo bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đà Nẵng, sản phẩm OCOP tạo ra giá trị cho sản phẩm, chuỗi lao động, công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Trong những năm qua, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối với với Sở Công thương TP hỗ trợ các doanh nghiệp về mẫu mã, công nghệ, máy móc, quy trình quy chuẩn; Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại ở các địa phương, chú trọng đến thị trường xuất khẩu. Hiện một số sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng đã từng bước tạo dựng được niềm tin tại quốc tế và nhiều tiềm năng mở rộng các kênh phân phối tại nước ngoài. Đó là tín hiệu rất đáng mừng, là tiền đề để các doanh nghiệp khác học hỏi và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hàm Yên
Bình luận (0)