Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Doanh nghiệp phải biết đón nhận và phát huy nguồn lực quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 6-3, tại Hội trường Thống Nhất (Q.1, TP.HCM), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc đối thoại các doanh nhân, trí thức với chủ đề “Đối thoại 2045”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc đối thoại (Ảnh: VGP)

Cuộc đối thoại diễn ra để Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương lắng nghe, trao đổi ý kiến từ giới tinh hoa, đặc biệt là giới trí thức, doanh nhân về những giải pháp, hiến kế phát triển đất nước từ nay đến 2045 trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – cho biết – đất nước đã vượt qua thách thức, khó khăn để có nhiều bước phát triển. Hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt những nhiệm kỳ gần đây, chúng ta đã đạt nhiều thành công trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế được giữ vững và tăng trưởng.

Đời sống nhân dân của mọi vùng miền được cải thiện rõ nét, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được khẳng định, nhất là quy mô kinh tế của nước ta đã có bước tiến nhanh từ quy mô đứng thứ 55 lên quy mô đứng thứ 40 hiện nay. Tuổi thọ người dân nước ta đã tăng, sánh vai với các nước tiên tiến như Nhật, Singapore cũng như nhiều thành quả trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các lĩnh vực khác. Tất cả những sự phát triển, nhất là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các tập đoàn tư nhân, kinh tế hợp tác xã đều có bước phát triển…

“Cách đây 25 năm, chúng ta không thể nghĩ rằng hôm nay chúng ta phát triển vượt bậc như vậy. Những tập đoàn, tổng công ty đã đóng vai trò quan trọng cho kinh tế trong nước và có vị trí rất quan trọng đối với khu vực và thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra một số thách thức để các doanh nhân, trí thức đóng góp ý kiến để hướng tới mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người nước ta vẫn thuộc nhóm trung bình thấp; các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh bền vững chưa vững chắc; quy mô kinh tế có tăng nhưng quy mô tính theo GDP bình quân đầu người hay tổng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm; năng lực cạnh tranh của các ngành, của quốc gia chỉ ở mức trung bình của thế giới; nguồn nhân lực có chất lượng cao thiếu hụt; năng suất lao động chậm cải thiện. Những vấn đề lớn như quản trị quốc gia, quản trị những lĩnh vực lớn, thậm chí quản trị những trường đại học còn nhiều vấn đề bất cập. 

Trong điều hành và quản lý đất nước, nhất là một số thách thức ngày càng lớn hơn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, già hóa dân số đang diễn ra nhanh, thậm chí có những vấn đề rất nhanh thuộc nhóm đầu thế giới như biến đổi khí hậu cực đoan ở Việt Nam.

Theo Thủ tướng, mục tiêu to lớn xuyên suốt của chúng ta là xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn dân giàu, nước mạnh chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước. Để thực hiện hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, tiềm lực, mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân, kể cả kiều bào. Phải biết thu hút, đón nhận và phát huy nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực công nghệ, tri thức để đổi mới sáng tạo.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “đối thoại 2045” sẽ được tổ chức định kỳ dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến bao gồm nhiều chủ đề kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh – quốc phòng. Tất cả các chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường sánh vai các cường quốc năm châu.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)