Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải chủ động chống hàng giả

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công thương, doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Dù các cơ quan chức năng hoạt động tích cực nhưng nếu DN không vào cuộc sẽ khó chống hàng giả hiệu quả.

Lực lượng chức năng thu giữ hàng giả.

Hiện nay, nhiều DN sản xuất trong nước đang phải đối phó với vấn nạn hàng giả. Không chỉ sản xuất hàng giả ngay trong nước, nhiều đối tượng còn đặt hàng ở nước ngoài đưa về Việt Nam lắp ráp và gắn nguồn gốc xuất xứ “made in Việt Nam” vào. Thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho thấy: Lượng hàng giả và xâm phạm quyền SHTT có nguồn gốc từ nước ngoài chiếm khoảng 60% – 65%, sản xuất trong nước khoảng 35% – 40%. Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, cho rằng, hàng giả, hàng nhái không chỉ làm giảm uy tín các thương hiệu chính phẩm, làm giảm sút lợi nhuận của nhà sản xuất chân chính, mà còn triệt tiêu động lực sáng tạo của các DN nói riêng và xã hội nói chung.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas): Hiện nay nhiều DN chưa quan tâm đến bảo vệ thương hiệu, còn e dè trong cuộc chiến chống hàng giả. Ông Nguyễn Trọng Tín phân tích, DN chưa tích cực hợp tác với các lực lượng chức năng, vì tâm lý lo ngại phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín sản phẩm, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng; vì nhiều DN không đủ nguồn lực khi tự điều tra hàng giả trên thị trường, phải thuê luật sư, đại diện SHTT, phải thực hiện giám định để có cơ sở đề nghị các cơ quan nhà nước can thiệp…

Thời gian qua, một số DN như Unilever, Ajinomoto, Honda… đã tích cực phối hợp với lực lượng QLTT đấu tranh với hàng giả. Hàng năm, lực lượng QLTT phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển lãm nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật – hàng giả; tổ chức hội thảo về hàng giả, tác hại của hàng giả với các hộ kinh doanh và người tiêu dùng theo địa bàn. Ở các địa phương, DN tăng cường chia sẻ thông tin cho lực lượng QLTT để kịp thời xử lý các vụ vi phạm. Với sự vào cuộc quyết liệt như thế, đến nay sản phẩm của nhiều công ty hầu như không còn hàng giả, hàng nhái…

Ông Lord Puttnam, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Lào, Campuchia, cho biết: Đại sứ quán Anh cũng có nhiều chương trình hỗ trợ lực lượng QLTT chống hàng giả, vi phạm quyền SHTT, song bản thân DN cũng phải đầu tư một nguồn lực nhất định. Nếu chỉ dựa vào cơ quan nhà nước thì sẽ không hiệu quả, vì chỉ có DN mới biết rõ nhất hàng giả mạo thương hiệu của mình, thiệt hại như thế nào, nguồn gốc hàng giả ở đâu, hàng giả phân phối như thế nào…? DN cung cấp thông tin, xác nhận hàng thật – hàng giả thì cơ quan chức năng mới có cơ sở xử lý.

Ông Nguyễn Trọng Tín cũng cho rằng, việc chủ động phòng chống hàng giả là trách nhiệm của DN đối với người tiêu dùng, đối với xã hội và là hành động tự bảo vệ của DN. Thực tế cho thấy các DN làm ăn bài bản thường quan tâm và tích cực trong các hoạt động phòng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu cũng như tích cực hợp tác với cơ quan chức năng. Nếu DN không hợp tác thì việc chống hàng giả không thể hiệu quả.

PHONG VÂN (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)