Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với dạy nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Đến năm 2020 sẽ có một số ngành nghề đạt trình độ quốc tế và một số nghề đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN. Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết như vậy khi trao đổi với Báo Người Lao Động về đề án dạy nghề giai đoạn 2011-2020

– Phóng viên: Báo cáo của Tổng cục Dạy nghề cho thấy quy mô dạy nghề tăng, tốc độ phát triển nhanh nhưng hiện nay nhiều trường nghề vẫn than phiền không thu hút được học viên. Ông lý giải thế nào về sự bất hợp lý này?

– Ông Dương Đức Lân: Đó là tâm lý nặng về bằng cấp của người VN. Trong thực tế, có nhiều học viên học nghề hàn ra trường nhận mức lương 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tháng; trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không xin được việc và nếu có việc thì mức lương chỉ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng.
Đối với nhiều nước, khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, họ sẽ thực tiễn hơn, không chú trọng nhiều vào bằng cấp. Chẳng hạn ở CHLB Đức, hiện nay, tỉ lệ sử dụng lao động là 30% đại học và 70% học nghề. Điều quan trọng là ở đó, người ta không quan niệm có sự khác biệt lớn giữa học nghề và đại học.
Còn ở VN, tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá đang chi phối rất nặng nề. Hiện chúng tôi đang làm việc với Bộ GD-ĐT để có liên thông lên đại học dành cho khối dạy nghề. Hy vọng đến cuối năm sẽ có liên thông, tạo điều kiện tốt hơn cho học viên học nghề.

Ngành cơ khí chính xác sẽ thu hút lao động trong tương lai. Trong ảnh: Học viên Trường Cao đẳng Nghề TPHCM trong giờ thực hành _Ảnh: H.N

– Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) khi tuyển dụng vẫn “kêu” chất lượng lao động qua đào tạo không đáp ứng yêu cầu…

– Từ trước đến nay, chúng ta thường nói DN phải tham gia đào tạo nghề nhưng mối quan hệ giữa nhà trường và DN còn rất lỏng lẻo. Thực tế, những người tham gia hưởng lợi ích từ dạy nghề chính là DN. Cho nên DN phải có trách nhiệm với dạy nghề, phải coi đó là công việc của mình, không nên có tâm lý nguồn nhân lực sẵn có. DN nên tham gia cùng Nhà nước dạy nghề và điều hành lĩnh vực dạy nghề.
– Việc thiếu hụt nhân lực kỹ thuật cao đòi hỏi ngành dạy nghề cần có định hướng đào tạo phù hợp. Ngành đã chuẩn bị gì cho việc đào tạo nhân lực thời gian tới?

– Thời gian tới, xu thế DN đầu tư nhiều vào ngành nghề sử dụng công nghệ cao, do vậy nhu cầu lao động có tay nghề cao sẽ tăng mạnh. Nếu chúng ta không đáp ứng được thì DN sẽ thuê lao động bên ngoài. Đó cũng là một thách thức của ngành dạy nghề.
Ngoài việc đáp ứng về số lượng cho thị trường lao động, sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung đột phá về chất lượng ở một số nghề. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh đào tạo cho những ngành nghề mũi nhọn cần lao động trình độ cao, những ngành nghề phục vụ cho xuất khẩu…
Thông qua những chương trình đầu tư tập trung, đồng bộ cả về giáo viên, giáo trình, máy móc, thiết bị, đánh giá, kiểm tra, kiểm định để ngành nghề đầu tư đó đào tạo ra lao động chất lượng cao. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có một số ngành nghề đạt trình độ quốc tế và một số nghề đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN. Trước mắt, trong giai đoạn 2011-2015, sẽ thí điểm đào tạo kỹ sư thực hành.
Điều đó rất có ý nghĩa bởi học xong hệ thống thực hành, học viên sẽ có tay nghề vững và muốn học liên thông sẽ dễ dàng hơn, hiệu quả hơn cho xã hội.

Huỳnh Nga thực hiện (nld)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)