Nhà máy đường ngưng thu mua trong khi mía của dân còn chất đống ngoài ruộng, sau đó nhà máy lại phạt các hộ dân không cung cấp đủ khối lượng mía như hợp đồng. Việc làm này của Công ty CP Đường Khánh Hòa (Công ty Đường Khánh Hòa) khiến nhiều hộ dân trồng mía tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bức xúc. Người dân lo lắng những tiền lệ này sẽ lặp lại trong vụ mía tiếp theo, nếu không sớm được phân minh…
Dân chịu phạt oan
Vụ mía năm nay, người dân trồng mía tại Ninh Hòa kêu trời trước tình trạng hàng chục ngàn tấn mía đã chặt bị phơi héo giữa đồng, do Nhà máy đường Cam Ranh (thuộc Công ty Đường Khánh Hòa) chậm thu mua. Nay họ càng bức xúc hơn khi bị Công ty Đường Khánh Hòa đơn phương ra quyết định xử phạt hết sức phi lý. Ông Lê Quốc Tuấn (xã Ninh Tân, Ninh Hòa) phản ánh: Đầu vụ chúng tôi chạy lui chạy tới xin lịch chặt mía nhưng phía nhà máy không cho. Đến cuối vụ, khi chỉ còn khoảng 10 ngày là kết thúc thì nhà máy cho chặt mía ồ ạt, chẳng xếp lịch gì cả, mạnh ai nấy chặt nên thiếu nhân công, thiếu xe vận chuyển trầm trọng. Tiếp đến, nhà máy ra thông báo ngày 2-5 sẽ ngừng thu mua nhưng mới ngày 1-5 đã ngưng không nhập mía từ dân, dù một lượng mía rất lớn đang phơi ngoài đồng. Theo hợp đồng, năm nay gia đình tôi phải cung cấp cho nhà máy 250 tấn mía, nhưng đến thời điểm chốt sổ, gia đình tôi chỉ cung cấp cho nhà máy 168 tấn, thiếu 82 tấn. Đến ngày thanh lý hợp đồng, nhà máy thông báo tôi bị phạt trên 10 triệu đồng.
Người dân xót xa khi mía phơi nắng đầy đồng do cung cách thu mua mía bất hợp lý từ nhà máy.
Nhưng nghịch lý, lúc nhà máy ngừng thu mua, trên đồng nhà tôi vẫn còn tồn tới 120 tấn, thừa gần 40 tấn so với sản lượng đăng ký.
Vụ mía năm nay, Công ty Đường Khánh Hòa hợp đồng trồng mía nguyên liệu cho nông dân. Theo đó, công ty ban hành một bộ quy chế, trong đó ghi rõ: Nhà máy có trách nhiệm thông báo trước 12 ngày cho các hộ biết ngày kết thúc vụ ép mía. Nếu việc tồn mía nguyên liệu từ nguyên nhân do nhà máy gây ra thì chủ mía được đền bù… Thế nhưng vụ mía năm nay, công ty đã vi phạm quy chế khi thông báo ngừng ép mía trước có 8 ngày, sau đó lại ngừng mua trước 1 ngày làm cho hàng ngàn tấn mía bị ứ dồn. Ngoài ra, việc thu mua chậm trễ vào đầu vụ rồi cuối vụ cho “lệnh” chặt mía ồ ạt, khiến họ phải chịu nhiều khoản chi để kiếm nhân công chặt, chở mía, chưa kể họ còn bị nhà xe ép giá vận chuyển.
Khắc phục kiểu “ban ơn”
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân, đến thời điểm này có hơn 10 hộ dân được thông báo sẽ bị phạt tiền do thiếu khối lượng mía như hợp đồng và bản thân ông Hoàng cũng bị phạt hơn 4 triệu đồng, hiện họ tiếp tục khiếu nại lên các cấp. “Sau khi nhận được đơn của hội viên, Hội Nông dân xã đã có văn bản báo cáo lên hội các cấp. Ngày 23-5, Công ty CP Đường Khánh Hòa đã gửi thông báo sẽ giảm tiền phạt. Nhưng bà con trồng mía vẫn không hết bức xúc với cách giải quyết của công ty. Vì đây chẳng khác gì việc họ ban ơn cho dân khi chính họ là người làm sai”, ông Hoàng nói.
Trong mấy năm qua, cứ đến vụ mía, người trồng mía tại Ninh Hòa liên tục phản ánh những việc làm “không giống ai” từ Công ty Đường Khánh Hòa. Người dân cho biết đời sống của họ ngày càng đi xuống do bị “chèn ép” quá đáng. Vụ mùa này, khi Công ty Đường Khánh Hòa có lệnh không nhập mía, thì lượng mía tồn giữa đồng tại Ninh Tân còn hơn 1.000 tấn. Không biết bán cho ai, người dân đành bán tháo cho các lái buôn với giá thấp hơn khoảng 30% so với giá bán thị trường. Bà Nguyễn Thị Hường, người có gần 30 năm gắn bó với cây mía, hiện đang có 7ha đất trồng mía, bày tỏ: “Sau vụ mía này, tôi quyết định không trồng mía nữa mà chuyển toàn bộ diện tích qua trồng cây keo. Chứ trồng mía mà bị “ép” như thế này không chết vì đói cũng chết vì… tức”, bà Hường bức xúc.
Liên quan đến chuyện người dân bị Công ty Đường Khánh Hòa phạt tiền, ông Nguyễn Văn Cùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ninh Tân, cho biết, đã kiến nghị lên thị xã và thị xã hứa sẽ mời Công ty Đường Khánh Hòa về đối thoại với dân, làm rõ mọi chuyện.
VĂN NGỌC (SGGP)
Bình luận (0)