Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp sản xuất: “Hai không”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vốn không dám vay vì lãi suất cao, khó không dám than vì sợ bị ngân hàng (NH) cắt ưu đãi là hiện trạng “dở khóc, dở cười” của nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hiện nay. 

Vốn không dám vay
Quả thực, lãi suất của các NH đối với sản xuất kinh doanh đã lên tới mức 23 – 25%/năm khiến nhiều DN lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu vay vốn sản xuất thì cầm chắc lỗ, còn không thì phải thu hẹp sản xuất.

Ít DN có khả năng xoay xở với mức lãi suất 24-25%/năm

Một phó tổng giám đốc một NH cổ phần nói rằng, mặc dù bị hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng nhiều NH vẫn tìm cách để cho vay, vì cho vay được thì NH mới có lợi nhuận. Thậm chí, một số NH muốn giải ngân đã không ngần ngại đưa vốn của mình thông qua các công ty con như công ty tài chính, công ty chứng khoán để mua trái phiếu do các DN phát hành với lãi suất cao, như một dạng cấp tín dụng.

Thừa nhận điều này là đúng, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp Bình Chánh, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nói rằng, các thành viên trong Hội không dám vay vốn NH vì lãi suất cao quá.
Trước đây, nhiều DN có hạn mức tín dụng khoảng 20 tỷ đồng, thì nay NH vẫn cấp khoảng 1/3 số tín dụng của năm trước. Nhưng nghịch lý là NH “năn nỉ” kêu DN đến lấy tiền mà không DN nào “dám đến” vì sợ không trả nổi lãi vay. Thực vậy, như trường hợp của ông Trương Hồ Long, Giám đốc Công ty CP Đồng Phát đã tự thực hiện chế độ cho công nhân đi làm 2/3 thời gian so với bình thường, nhằm cắt giảm chi phí.
“Số tiền vay với lãi suất 19,5%/năm thì DN cùng lắm chỉ cầm cự được ba tháng, còn nếu vay với lãi suất 24 – 25% như hiện nay thì tôi chỉ có cách đóng cửa nhà máy và cho công nhân nghỉ”, ông Long nói.
Khó không dám than?
Như vậy, mấu chốt của vấn đề hiện nay không phải chuyện DN không vay được vốn NH mà là chuyện DN không dám vay. Tình trạng này đang quay trở lại thời kỳ kinh tế đầu năm 2008, khi mà DN không có đầu ra, bị cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, lãi suất vay NH cao ngất ngưởng khiến họ chới với và phải thu hẹp sản xuất.
“Trên thực tế là hàng hóa của các DN sản xuất trong nước đang bị hàng Trung Quốc cạnh tranh về giá rất gắt gao. Chẳng hạn, thép của Việt Nam bán 18.000/kg thì giá thép của Trung Quốc chỉ khoảng 13.000 đồng/kg. Họ bất chấp bán rẻ để mang tiền về tất toán thay vì phải vay NH. Điều này đang đẩy các DN trong nước vào chân tường.
Một điểm khác là một số DN trong nước lại bắt chước áp dụng mô hình này của các DN Trung Quốc là bán đổ bán tháo hàng tồn kho để mang tiền về tất toán, thu hẹp sản xuất thay cho việc vay vốn NH. Từ đó khiến tình hình sản xuất đi vào bế tắc, thậm chí chỉ vài tháng nữa sẽ có hiện tượng phá sản đồng loạt tại các DN sản xuất nhỏ và vừa”, bà Linh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày TP.HCM, nói rằng, sau 5 năm, các DN da giày vừa hết bị đánh thuế chống bán phá giá của EU, đang hăm hở tính kế hoạch mở rộng sản xuất – kinh doanh thì gặp phải lãi suất tăng quá cao. Các DN trong Hội đã bỏ hết ý định mở rộng sản xuất, co cụm sản xuất để chờ đợi thị trường.
Có một điểm ngạc nhiên thú vị là trong thời điểm khó khăn là vậy nhưng phần lớn DN đều không kêu than nhiều như những năm trước. Điều này được chính Phó chủ tịch HUBA và các Tổng thư ký các hội DN quận, huyện thừa nhận khi khảo sát các DN thành viên.
Theo phản ánh, nguyên nhân của sự “rụt rè” này là các DN sợ các NH cắt luôn khoản ưu đãi khi tình hình kinh tế ổn định trở lại. Đại diện một DN sản xuất dây và cáp điện gia dụng bức xúc phản ánh, hiện tại việc sản xuất của các DN thành viên vẫn chạy khá tốt, thậm chí nhiều lúc các DN này không có đủ hàng để xuất sang Lào và Campuchia.
Vấn đề mà DN này gặp phải không chỉ chuyện lãi suất mà còn cả chuyện mua bán USD. Tuy nhiên, khi ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực HUBA đề nghị phản ảnh việc mua USD khó khăn để trình lên UBND TP.HCM xin được hỗ trợ giải quyết, thì DN lại không dám nói.
“Rất sợ ra mặt kêu than vì bị cắt luôn khoản ưu đãi còn lại từ phía các NH”, một DN đề nghị giấu tên nói. Tương tự, bà Linh nói rằng DN thành viên của Hội gặp nhiều khó khăn nhưng khi đề nghị phải lên tiếng để tìm sự hỗ trợ từ UBND TP.HCM thì các DN đều “xin thôi” và nói rằng “tự mình có thể xoay xở được”.
QUỲNH CHI/ DNSG

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)