Bài toán cung – cầu mía đường đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, khi Chính phủ vừa đồng ý tạm dừng nhập khẩu 126.000 tấn đường trong hạn ngạch nhằm thúc đẩy tiêu thụ đường nội địa.
Có hay không chuyện các DN mía đường sẽ đầu cơ, làm giá gây nhiễu loạn thị trường? Mặt hàng đường sẽ được bình ổn thị trường? Đường nhập lậu sẽ được kiểm soát ra sao? Sáng 20.5, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Nguyễn Thành Long trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, với quyết định tạm ngừng nhập khẩu đường theo hạn ngạch, liệu các DN sẽ tận dụng cơ hội này để găm hàng, làm giá?
– Tôi cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay thì cả nhà máy sản xuất lẫn nhà thương mại không một ai dám trữ đường để găm hàng. Tính toán sơ bộ cho thấy, lãi suất ngân hàng mà các DN này đang phải trả tính bình quân mỗi tháng khoảng 300đ/kg đường. Với sức tiêu thụ hàng trăm, hàng ngàn tấn, thì đây là áp lực quá lớn. Hiện các nhà máy đường đang ngấp nghé mức lỗ hoặc đã lỗ rồi, trữ đường găm hàng chờ tăng là quá rủi ro.
Bên cạnh đó, sản lượng đường vụ tới dự báo đạt trên 1,3 triệu tấn, đường thế giới cũng đang trúng mùa và dễ dàng nhập lậu. Tất cả những thông tin này cho thấy, khó DN nào dám trữ đường. Tôi cam đoan điều này. Vấn đề cần làm hiện tại là cân đối nguồn cung đường hợp lý ra thị trường để không bị nhiễu loạn giá.
Ảnh minh họa. |
´ Thực tế, đã có sự chênh lệch giá đáng kể giữa đường bán ra tại nhà máy và đường trên thị trường, có nơi chênh gần 10.000đ/kg. Ông lý giải như thế nào về điều này?
– Từ nhà máy đến tay người tiêu dùng thì giá có chênh lệch là điều bắt buộc, vì họ phải gánh nhiều chi phí. Tôi công nhận là thời gian qua, nhiều siêu thị có dấu hiệu độc quyền, hơi lạm dụng điều kiện kinh doanh để đưa giá đường lên cao với mức 23.000 – 24.000đ/kg (giá đường bán tại nhà máy là khoảng 18.000đ/kg). Tuy vậy, theo tôi được biết thì không hề có chuyện đường bán lẻ đang ở mức 28.000đ/kg như dư luận vừa nêu.
Hơn nữa, đường bán tại siêu thị là đường kính trắng RE, chia nhỏ đóng gói và bán lẻ nên giá bán cao hơn đường nhập sỉ RS. Tại các hệ thống thương mại, hai loại đường này chênh nhau khoảng 5.000đ/kg, nên đường bán lẻ đang đứng giá cao là điều dễ hiểu.
´ DN đang chịu lỗ, nay lại đối mặt với việc đường nhập lậu ồ ạt. hiệp hội có giải pháp gì để đối phó?
– Có quá nhiều vấn đề đối với đường nhập lậu! Hiện đường nhập lậu vào nước ta chủ yếu từ Thái Lan do nước này thừa quota về tiêu thụ, về xuất khẩu và cả sản lượng. Đường dư thừa hoặc đổ vào kho hoặc tuồn ra ngoài với giả rẻ mạt.
Về nguồn đường này, có hai luồng ý kiến, một là nên để nguồn đường này “tự do” tiêu thụ để người tiêu dùng hưởng lợi giá rẻ, hai là tuyệt đối ngăn chặn nhập lậu để giữ ổn định thị trường trong nước. Tôi cho rằng đường nhập lậu hôm nay giá có thể rẻ, nhưng không ai dám chắc rằng sau 2 năm, 5 năm nữa giá cả sẽ như thế nào. Nếu trông chờ quá lớn vào lượng đường này thì ta sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn về lượng và giá cả, tiêu tốn ngoại tệ. Do vậy, ngăn chặn đường lậu là cách để bình ổn thị trường trong nước một cách lâu dài.
Cảm ơn ông!
Dương Hà ghi / Lao Động
Bình luận (0)