Chi phí đầu vào sản xuất liên tục tăng trong khi giá bán cho nhà nhập khẩu không tăng. Doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày càng thêm áp lực kinh doanh khi mức lương tối thiểu vùng trong năm 2015 vừa được Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất phương án đề xuất tăng lên 15%.
Người lao động được lợi gì?
Với phương án đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng trong năm 2015 vừa được đưa ra thì mức lương tối thiểu vùng 1 (TPHCM) năm 2015 sẽ là 3,1 triệu đồng/người/tháng (tăng 400.000 đồng so với lương tối thiểu năm 2014). Thực tế tại TPHCM hiện nay, khó có DN nào có được lao động làm việc với mức lương 3,1 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, DN tại các TP lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đều phải trả cho lao động dệt may, da giày cao hơn mức lương tối thiểu, ở mức thấp cũng 4,5 – 5 triệu đồng/tháng, cao thì cũng khoảng 5 – 6,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập thực tế DN trả cho lao động luôn cao hơn lương tối thiểu đề ra, vậy thì tăng lương để làm gì? Người lao động sẽ được hưởng lợi gì từ việc tăng lương?
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Garmex Saigon. Ảnh: MỸ HẠNH
Các DN dệt may, da giày cho rằng, DN ủng hộ lộ trình tăng lương của nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, ở thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn, DN đang phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh như hiện nay thì mức tăng 15% là khá cao đối với DN, đặc biệt đối với các DN nhỏ. Nên chăng mức tăng này chỉ ở khoảng 10% sẽ thích hợp với nội lực của DN hiện nay. Một DN đưa ra bài toán, với khoảng 2.800 lao động, DN chi trả khoảng 3 tỷ đồng/tháng cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chưa tính 2%/tổng quỹ lương của DN cho phí công đoàn. Việc tăng lương tối thiểu, quỹ lương chi trả cho BHXH, BHYT sẽ tăng lên cao. Các DN nhận định, không chỉ thêm mức tăng lương tối thiểu, chắc chắn đầu vào sản xuất cũng sẽ tăng theo, tổng mức tăng mới của DN ít nhất cũng phải ở mức 20%. Trong khi đó, giá xuất khẩu trong năm qua hầu như không thể tăng giá. Để tồn tại, chắc chắn DN phải cắt giảm một số chi phí và người lao động là người chịu thiệt.
Doanh nghiệp nhỏ khó khăn nhất
Trong năm qua, đã có hàng chục ngàn DN trong nước đã giải thể, ngừng hoạt động, con số này tiếp tục tăng lên trong những tháng đầu năm 2014. Trong đó, có không ít DN dệt may, da giày. 80% DN dệt may tại Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Với khoản chi phí tăng thêm này, DN dệt may, da giày nhỏ sẽ là đối tượng chịu khó khăn nhất.
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa (TPHCM), chia sẻ, hiện DN có khoảng 80 lao động nhưng mức thu nhập thấp nhất DN trả cho lao động khoảng 5 triệu đồng/tháng. DN trụ được là nhờ có mặt bằng, không phải thuê nhà xưởng để sản xuất, nếu không cũng đã “dẹp tiệm” từ lâu. Vì khi chi phí đầu vào tăng cao, DN nhỏ sẽ không thể cạnh tranh được đơn hàng với các DN lớn, với các DN FDI về giá cả và những yêu cầu về trách nhiệm xã hội. Bỏ nhiều công sức, lo toan, tìm kiếm đơn hàng, làm sao để giữ người lao động mà không có lãi, lợi nhuận tương xứng, nhiều DN dệt may nhỏ đã quyết định đóng cửa, cho thuê nhà xưởng 3.000 – 5.000 USD/tháng còn sướng hơn!
Việc các DN dệt may, da giày nhỏ trong nước “chết dần” trước sức ép cạnh tranh cũng là quy luật kinh doanh. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của nhiều người, liệu việc DN FDI ở lĩnh vực may mặc, giày dép ngày càng mở rộng và áp đảo sản xuất trong nước có thật sự mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam, khi mà tình trạng chuyển giá, báo lỗ, trốn thuế ở những ngành này vẫn đáng báo động. Và như vậy, không thể có công bằng cho DN dệt may, da giày Việt Nam, dù ở ngay chính sân nhà!
HÀ NHAI (SGGP)
Bình luận (0)