Ngày 17/3, Công ty CP Pacific Foods đã đưa 16 tấn hàng nông sản, thực phẩm, gồm nước mắm, cà phê hòa tan, đồ uống cao cấp… sang thị trường Hoa Kỳ. Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Công ty CP Pacific Foods cho biết, trước đó công ty đã có những đơn hàng cung cấp cho các đối tác tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây là lần đầu các sản phẩm nước mắm, gia vị, nông sản, đồ uống do Pacific Foods sản xuất có cơ hội cùng tiếp cận với số lượng rất lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Dự kiến, lô hàng sẽ cập cảng Long Beach, Hoa Kỳ vào ngày 10/4.
Ông Linh cũng cho biết, dự kiến trong tháng 4/2022, Pacific Foods tiếp tục xuất lô hàng 28 tấn gồm các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực đến Hoa Kỳ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi. Hiện tại, nước mắm Bless Mami của công ty là sản phẩm đang giữ vị trí top 1 ngành hàng nước mắm trên sàn thương mại điện tử toàn cầu Amazon, với hơn 18.000 sản phẩm bán ra mỗi tháng. Trước đó, vào tháng 6/2021, Pacific Foods cũng đã xuất khẩu 2 lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam tới EU để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Những chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng Việt ra thế giới Ảnh: U.P
Cũng trong tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh) với thương hiệu tương ớt lên men Chilica đã đưa 1.500 thùng tương ớt các loại trị giá 34.000 USD sang trời Âu. “Sản phẩm sẽ có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở châu Âu nhưng vẫn giữ nguyên thương hiệu Việt. Đây chỉ mới là lô hàng thăm dò thị trường”, ông Nguyễn Thanh Hiền, nhà sáng lập Chilica nói.
Với những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), DN TPHCM đã đẩy mạnh xuất khẩu ở nhiều thị trường lớn mà trước đây không thể cạnh tranh vì các quy định về thuế quan, hàng rào kỹ thuật… Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn, một trong những DN hàng đầu ngành sản xuất bao bì nhựa tại thị trường trong nước và xuất khẩu cho biết, hiện tại, công ty không gia công mà xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ; châu Âu. “Nhờ tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định RCEP, công ty đang mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Việt Anh nói.
Thủy sản là một trong những ngành hàng điển hình tận dụng tương đối tốt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thúc đẩy xuất khẩu. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản luôn giữ vị trí “top 3” trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc sử dụng quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường này chưa được nhiều.
Mở thị trường tiềm năng
Tại buổi kết nối DN với thị trường Trung Đông, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho rằng, các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn (dao động từ 2 đến 8 tỷ USD); quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Các quốc gia GCC có nền kinh tế mở, phát triển về ngoại thương; thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa nền kinh tế.
Tại buổi kết nối DN với thị trường Trung Đông, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho rằng, các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn (dao động từ 2 đến 8 tỷ USD). |
Theo ông Tuấn, một thuận lợi nữa khi xuất khẩu sang Trung Đông là mức thuế nhập khẩu chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam. Riêng với TPHCM, Trung Đông là thị trường còn nhiều dư địa để khai thác. Các mặt hàng chính TPHCM xuất khẩu sang Trung Đông gồm thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại….
Đồng quan điểm, ông Ngô Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait cho rằng, cơ hội cho DN Việt Nam tại thị trường GCC đang rộng mở với nhiều thuận lợi. Khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp.
Ấn Độ cũng là thị trường đang được DN Việt hướng đến. Bà Sumita Dawra, Tổng Cục trưởng chuyên trách Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương (DPIIT) gợi ý, nông nghiệp và chế biến thực phẩm là lĩnh vực mà Việt Nam và Ấn Độ đều có thế mạnh để hợp tác cùng phát triển. Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ dành những ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, trồng trọt, sản xuất hạt, chế biến thịt, sữa hoặc các dịch vụ liên quan đến nông nghiệp.
Bình luận (0)