Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp thi công xây dựng nhọc nhằn chờ thanh toán

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đã được nghiệm thu, hàng loạt công trình xây dựng cơ bản huyện Ia Pa (Gia Lai) vẫn bị chậm thanh toán khiến doanh nghiệp nhỏ chật vật vì vốn gần như bị… chiếm dụng không lãi suất.
Hiện một số công trình xây dựng cơ bản lớn ở Gia Lai như Trung tâm Y tế dự phòng, hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm, nhà thể thao đa năng huyện Ia Pa… đã hoàn thành tiến độ 100% nhưng tỷ lệ giải ngân luỹ kế mới đạt 22-26% mức đầu tư. Nằm trong danh sách công trình chậm thanh toán có Trường THCS Phan Bội Châu xã Ia Mrơn với vốn đầu tư 1,07 tỷ đồng; Trường Mẫu giáo Sao Mai xã Ia Mrơn 270 triệu đồng, Mẫu giáo Tuổi Thơ ở xã Ia Trốk 591 triệu đồng hay công trình gia cố mái Taluy, bổ sung cống thoát nước ngang, Công trình phòng hộ đường Võ Thị Sáu và đường Lý Thái Tổ gần 1,14 tỷ đồng…
Thiếu vốn là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia xây dựng công trình cơ bản trên địa bàn. Khi thi công, mỗi nhà đầu tư đều mong công trình sớm hoàn thành đúng tiến độ, được nghiệm thu đưa vào sử dụng để giải ngân vốn giúp doanh nghiệp có điều kiện thanh toán các khoản vật tư, nhân công, máy móc và đầu tư công trình mới. Nay bị chậm thanh toán, doanh nghiệp chỉ còn biết mong ngóng từng ngày, từng giờ.
Nhiều công trình giao thông nông thôn huyện Ia Pa ì ạch vì giải ngân chậm. Ảnh: Thanh Luận

Hàng loạt doanh nghiệp thi công các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Ia Pa cũng mỏi mắt chờ giải ngân, tiêu biểu như Công ty TNHH Hoàng Khang, Công ty TNHH một thành viên Thanh Tiết, Hợp tác xã Ia Mrơn, Công ty TNHH Vinh Đức, Công ty TNHH Công Lượng và Công ty TNHH Hoàng Quốc Việt… Mặc dù hồ sơ quyết toán đã được phê duyệt và chuyển sang kho bạc từ lâu nhưng doanh nghiệp chưa được giải ngân trong khi có những dự án đã được bàn giao đưa vào sử dụng hơn 2 tháng qua.
Không đủ vốn và để tiếp tục đầu tư, một số doanh nghiệp đành vay nóng với lãi suất cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn kéo dài đành đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Theo kế hoạch năm 2012 nguồn vốn xây dựng cơ bản được phân cấp cho huyện Ia Pa làm chủ đầu tư hơn 88,55 tỷ đồng, tăng gần 17 tỷ đồng so với năm 2011. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu và vốn của tỉnh 27,564 tỷ đồng, vốn chương trình 135 là 7,4 tỷ đồng, vốn ODA 25,4 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 836 triệu đồng và nguồn vốn tỉnh phân cấp đầu tư cho huyện là 27,2 tỷ đồng chiếm 30,5%.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết, ngoài nguồn vốn Trung ương, bằng nguồn vốn phân cấp của tỉnh, UBND huyện Ia Pa đã đầu tư 37 hạng mục với tổng vốn gần 24 tỷ đồng. Trong đó đầu tư cho giáo dục gần 6 tỷ đồng, chiếm 25%, đầu tư cho đường giao thông gần 3,3 tỷ đồng, chiếm 14%; đầu tư cho thủy lợi gần 4 tỷ đồng chiếm 16%.
"Những công trình được chuyển tiếp từ nguồn vốn ngân sách tỉnh thực hiện tương đối tốt khi tất cả các công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng", ông Hùng đánh giá.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, tiến độ xây dựng cơ bản và tốc độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2012 tại huyện Ia Pa quá chậm. Ông Hùng cho rằng chính quyền địa phương đang chỉ đạo cơ quan ban ngành hoàn thiện thủ tục đề nghị phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Pa cũng khẳng định, nguyên nhân chủ quan thuộc về chủ đầu tư như năng lực, trách nhiệm còn hạn chế, chưa làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, chưa quan tâm đúng mức về giám sát chất lượng, tiến độ thực chưa kiên quyết…
"Để khắc phục khó khăn, trong thời gian tới, UBDN huyện Ia Pa sẽ tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc với doanh nghiệp, tăng cường quản lý công tác đầu tư xây dựng cơ bản đồng thời bố trí đủ vốn và cấp vốn kịp thời theo quy định", ông Hùng hứa.

Theo Thanh Luận (VNE)

Bình luận (0)