|
Các doanh nghiệp chọn thời điểm này vay USD vì tỷ giá ổn định, lãi suất thấp |
Lãi suất cho vay tiền đồng hiện phổ biến trên 20% một năm, trong khi lãi suất cho vay USD 6 -7%, cộng với tỷ giá ổn định. Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu ngành hạt nhựa tại quận Tân Phú, TP.HCM nhấn mạnh, hiện nay, vay USD rõ ràng rẻ hơn nhiều so với vay tiền đồng. Ông tính toán nếu vay 5 tỷ đồng hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả lãi ít nhất 100 triệu đồng, nhưng chưa chắc đã vay được. Trong khi đó, vay khoảng 250.000 USD lãi suất 7% một năm, rồi đổi sang tiền đồng khoảng 5 tỷ, tiền lãi mỗi tháng chỉ chừng 1.500 USD, tương đương với hơn 30 triệu đồng. "Chênh lệch lớn như vậy, doanh nghiệp tội gì không vay USD" – ông nói.
Phó tổng giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu da giày tại quận Tân Bình, TP.HCM còn tiết lộ, vừa qua, một số doanh nghiệp khác hoạt động cùng ngành với ông, vì chi phí đầu vào cao, sản xuất khó khăn, không có lời nên sau khi vay 2 triệu USD, thay vì đem vào sản xuất kinh doanh thì đơn vị trên đã đem bán được hơn 40 tỷ đồng gửi ngân hàng.
"Với lãi suất thỏa thuận khoảng 17% hoặc cao hơn như hiện nay thì tiền lời từ việc gửi tiền đồng còn cao hơn kinh doanh" – ông này nói.
Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, sáu tháng đầu năm, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,05%, trong đó, tín dụng USD tăng tới 22,21%, gấp hơn 2,4 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Trong khi tốc độ tăng tín dụng tiền đồng chỉ ở mức 2,72%.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) thừa nhận, từ tháng 3 và nhất là nửa sau tháng 6 và đầu tháng 7, dư nợ tín dụng USD tăng nhanh chóng. Tình hình ở Vietcombank, ACB và Eximbank…cũng tương tự. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, các doanh nghiệp chọn thời điểm này vay USD vì tỷ giá ổn định, lãi suất thấp.
Nhu cầu ngoại tệ ngày một lớn khiến cho lãi suất huy động và cho vay cũng sốt trở lại.
Theo khảo sát, hiện tại, mặt bằng lãi suất của một số ngân hàng có dịch vụ tín dụng ngoại tệ phát triển mạnh phổ biến ở 7% đối với kỳ hạn ngắn, cao thêm khoảng 0,2-0,3% đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, ở các ngân hàng thương mại nhỏ hơn, những đơn vị có nhu cầu USD sẽ trả lãi khoảng 8% trở lên mới được tiếp cận vốn vay USD nhưng tín dụng ngoại tệ vẫn cứ tăng cao.
Ông Phan Đào Vũ, Tổng Giám đốc ngân hàng Bảo Việt xác nhận thời điểm này, doanh nghiệp đi vay về cơ bản thích được vay bằng USD hơn, vì lãi suất lợi hơn so với vay bằng đồng Việt Nam. Trong khi đó, huy động USD ở thời điểm này không dễ do người dân có khuynh hướng bán USD đổi lấy tiền đồng để gửi tiết kiệm VND ăn lãi suất "mặc cả" nên các nhà băng cũng tùy cơ ứng biến với nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Trước dự lệch pha giữa cung và cầu tín dụng ngoại tệ, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) Lê Đức Thọ đề xuất, cần có giới hạn nhất định cho các đối tượng được vay, mua USD từ ngân hàng. Dù thời gian gần đây, nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như chặt chẽ trong quản lý thị trường ngoại hối của Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng có cơ hội mua đôla Mỹ từ người dân.
Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng, không ai dám chắc từ giờ đến cuối năm không có áp lực về tỷ giá. Do vậy, chỉ những đơn vị thật sự cần thiết mới cho vay đôla Mỹ để thanh toán.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh Doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng tỏ ra lo ngại trước thực trạng tăng nóng của tín dụng ngoại tệ. Theo ông, nếu tín dụng USD tiếp tục tăng trưởng cao thì căng thẳng tỷ giá cuối năm là điều được dự báo trước. “Cầu thực về ngoại tệ cuối năm để trả nợ cho ngân hàng sẽ khiến giá USD khó kiểm soát”, ông Dương nhận định.
Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đang theo dõi sát tình trạng tín dụng ngoại tệ tăng nóng trong nhiều tháng qua. Dựa trên số liệu thu thập được từ các ngân hàng thương mại, cơ quan này sẽ sớm có biện pháp hạ nhiệt.
Nguồn VNEXPRESS
Bình luận (0)