Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân làm việc trong xí nghiệp chế biến hạt điều.

Tình trạng thiếu lao động đang xảy ra ở khắp các tỉnh ĐBSCL, căng thẳng nhất là ngành may mặc, chế biến hạt điều, chế biến thủy sản.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó chủ yếu do các tỉnh đua nhau thành lập các khu, cụm công nghiệp, cộng thêm việc khá đông LĐ chạy về các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM làm việc với mức lương cao hơn.

Không thích làm công nhân
Tại tỉnh Long An, tình hình LĐ luôn căng thẳng trong mấy năm qua. Theo ông Phan Thành Phi – Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh,  các DN trên địa bàn tỉnh đang thông báo tuyển dụng khoảng 10.000 LĐPT, nhưng chỉ có khoảng 1.500 người nộp đơn đăng ký tìm việc. May mặc là ngành cần và thiếu CN trầm trọng nhất.
Cty Simone (vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên may túi xách) thông báo tuyển 4.500 CN từ tháng 4.2009, nhưng đến nay chỉ tuyển được hơn 2.000 người. Cty giày Ching Luh (vốn đầu tư Đài Loan) hiện đang có trên 20.000 CN, từ nhiều tháng qua thông báo tuyển thêm khoảng 3.000 LĐ với những điều kiện thu nhập khá hấp dẫn, nhưng vẫn không tuyển được. Hiện mức lương bình quân của CN trong các khu, cụm công nghiệp tại Long An khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, không thua kém nhiều so với CN làm việc ở TPHCM. Thiếu CN, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, không thể chạy hết công suất.
Khu vực nông thôn Long An cũng thiếu hụt LĐ sản xuất nông nghiệp, bởi phần lớn nam, nữ thanh niên đều chạy về các thành phố, thị tứ tìm việc. Hầu hết LĐ nông thôn đều có trình độ học vấn thấp, không được đào tạo, nhưng lại không chịu làm CN, mà chỉ muốn làm ở văn phòng, nếu không được thì sẵn sàng đi… bán quán. Trong khi nam thanh niên thì thích làm nghề tự do, không bị ràng buộc kỷ luật, giờ giấc làm việc, nên thà làm phụ hồ chứ không làm CN.
Nơi nào cũng thiếu
Tại tỉnh Tiền Giang, Cty CP Chế biến thủy sản Hùng Vương (KCN Mỹ Tho) xây dựng thêm một nhà máy mới, cần 1.500 LĐPT. DN này đã đến các sàn giao dịch việc làm, các cơ quan tuyển dụng trong, ngoài tỉnh, nhưng vẫn không tìm được CN, trong khi tháng 11.2009 nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang – cho biết, các DN trong tỉnh đang có nhu cầu tuyển khoảng 3.500 LĐ, chủ yếu là LĐPT, nhưng nhiều tháng qua số đơn đăng ký làm việc rất ít. Ông Trường không giải thích được tại sao việc tuyển dụng LĐ rất khó khăn, dù Tiền Giang được đánh giá là một trong những tỉnh có nguồn LĐ dồi dào ở khu vực. Rất nhiều lần cán bộ ban quản lý KCN cùng đại diện DN đến tận các khu vực đông dân cư vận động tuyển dụng nhân công với mức lương hấp dẫn cùng nhiều đãi ngộ, nhưng số người đăng ký đi làm rất ít.
Vĩnh Long dù có ít KCN nhất so với các tỉnh xung quanh, nhưng tình trạng thiếu hụt LĐ cũng diễn ra gay gắt. Cty giày Tỷ Xuân ở KCN Hòa Phú đang thiếu khoảng 5.000 CN. Ông Huỳnh Văn Thoàng – Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Long – cho biết, các DN trong tỉnh cần khoảng 7.000 – 8.000 CN, nhưng tuyển không được, dù tháng nào tỉnh cũng mở sàn giao dịch việc làm tìm LĐ.
Theo ông Thoàng, trình trạng thiếu hụt LĐ phần lớn do tinh thần, thái độ làm việc không ổn định của nhiều CN vốn xuất thân từ đồng ruộng, không được đào tạo. Họ đã quen tự do, nay xin vào làm, mai xin ra, đến tìm việc chỗ khác có mức lương cao hơn, nên các nhà máy luôn bị xáo động nhân lực.

Theo NLD

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)