Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp thiếu vốn, kẹt xây dựng

Tạp Chí Giáo Dục

Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM, nhiều DN nêu lên khó khăn chung và kiến nghị hỗ trợ, chủ yếu về vốn vay, thuế và xây dựng. Đây là các khó khăn, kiến nghị kéo dài chưa được giải quyết rốt ráo.
Không dám vay vốn vì sợ lãi
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM, cho biết tình hình năm 2013 có khả quan, nhiều DN nhựa đã có hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 6-2013. Thế nhưng rất nhiều DN khác lại không có đủ nguyên liệu để thực hiện hợp đồng, lý do chính là không có vốn mua nguyên liệu. DN không dám vay ngân hàng vì lãi suất quá cao.
Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, cho rằng điều cần thiết để khôi phục sản xuất là tạo thuận lợi cho đời sống công nhân, trong đó phải tính đến chính sách hỗ trợ vốn vay kéo dài 20-30 năm để công nhân thu nhập thấp cũng có thể mua được nhà, yên tâm sản xuất.
Nhiều DN than phiền và kiến nghị thay đổi quy định về đất đai, xây dựng. Đại diện Hội DN Bình Chánh cho biết khá nhiều DN huyện này bị vướng thủ tục hợp thức hóa nhà xưởng phức tạp, kéo dài thời gian, trong khi nhu cầu xây dựng, vay vốn rất cấp bách.

Lãi suất còn cao khiến các DN không dám vay để sản xuất. Ảnh: HTD
mức tiền sử dụng đất cao
Liên quan đến thủ tục nhà đất, ông Nguyễn Cảnh Hà, Chủ tịch Hội DN Nghệ Tĩnh tại TP.HCM, cho biết nhiều DN gặp khó khăn về cách tính tiền sử dụng đất. Trước đây, DN có thể tự tính được mức tiền phải đóng cho Nhà nước, vì vậy mà chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, chi phí, giá thành sát với thực tế. Tuy nhiên, quy định hiện hành gây khó cho DN. Một là mức đóng tiền sử dụng đất cao, hai là DN không thể tính trước khoản tiền này nên bị động trong kế hoạch kinh doanh. Ông kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại cách tính tiền sử dụng đất hiện nay.
Sẽ kiến nghị cùng DN
Về kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất của hai công ty Thắng Lợi và Samco, bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng Nghị quyết 02/2013 đã quy định rõ, Cục Thuế ghi nhận từ DN và sẽ trình lên Bộ Tài chính. Về kiến nghị sớm giảm thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức, bà Nga cho biết từ ngày 1-7 sẽ giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5%, thuế thu nhập DN từ 25% xuống 10% nhưng phải đợi đến ngày 1-7 và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Đặc biệt, các DN ngành nhựa kiến nghị hoàn thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon thân thiện môi trường. Theo quy định, DN chỉ được không nộp thuế kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận là sản xuất túi thân thiện môi trường. Tuy nhiên, quy định đánh thuế thì áp dụng từ 1-1-2012 mà quy định về cấp giấy chứng nhận này lại có trễ hơn nửa năm, do đó nhiều DN đã nộp thuế rồi rất muốn được hoàn lại. Bà Nga cho biết rất đồng thuận với kiến nghị của DN. Cục Thuế đã theo dõi vấn đề này và đang kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ TN & MT xem xét hoàn thuế cho DN đã đóng từ 1-1-2012.
Vẫn là thuế bảo vệ môi trường, nhiều DN kiến nghị được hoàn thuế đối với túi nylon đóng gói sẵn hàng hóa. Theo bà Nga, thời gian qua Cục Thuế đã có ý kiến với Bộ Tài chính rằng nên hoàn trả ngay cho DN. Bộ đã cử một đoàn công tác khảo sát một số DN nhựa tại TP.HCM và hiện trong quá trình hoàn thiện dự thảo thông tư về vấn đề này. Cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị cùng DN, bà Nga khẳng định.
Kiến nghị giảm lãi suất hơn nữa
TP đã kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết 02/2013. TP sẽ đề nghị Chính phủ căn cứ vào tín hiệu thị trường để giảm lãi suất hơn nữa nhưng sẽ không thể giảm mạnh vì phải kiềm chế lạm phát.
Ông LÊ MẠNH HÀ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Cái khó ở niềm tin
Khó khăn nhất trong năm 2013 là niềm tin. Người tiêu dùng mất niềm tin vào DN. DN mất niềm tin vào môi trường kinh doanh. Nhiều DN nói thẳng, ngồi chơi thì lỗ 1-2 tỉ đồng nhưng bỏ công ra làm thì lỗ vài chục tỉ đồng chứ chẳng ít. Nhưng nếu DN nào cũng ngồi không thì người lao động lấy lương đâu mà sống?
Ông TRƯƠNG PHÚ CƯỜNG, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM
QUỲNH NHƯ (PL)

Bình luận (0)