Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp thực phẩm phải chạy lòng vòng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nếu kinh doanh thực phẩm chức năng, thịt, bột mì thì doanh nghiệp sẽ phải “chạy” đến ba bộ là Y tế, Công Thương, nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.


 Thực phẩm từ lúc sản xuất đến tay người tiêu dùng phải qua kiểm định nhiều bộ về ATVSTP.

Doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh mặt hàng nào thì sẽ công bố chất lượng sản phẩm tại bộ, ngành chủ quản. Nếu một đơn vị kinh doanh ba mặt hàng khác nhau (thực phẩm chức năng, thịt, bột mì) thì họ sẽ phải “chạy” đến ba bộ là Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) để đăng ký công bố chất lượng. Đây là một trong những nội dung nêu trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm (ATTP).

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), đã cho biết như vậy tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định được tổ chức ngày 7/4 .
Chưa rõ trách nhiệm quản lý của các bộ
Tiến sĩ Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nói: “Chúng tôi cảm giác là dường như ban soạn thảo chưa đọc kỹ những điều ghi trong Luật ATTP nên trách nhiệm quản lý ATTP đang được đùn đẩy giữa các bộ”.
Theo ông Đáng, tại Điều 63 Luật ATTP quy định rõ Bộ NN&PTNT quản lý quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh với chín loại thực phẩm ngũ cốc, thịt và các sản phẩm thịt… Bộ Công Thương chỉ quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản vận chuyển… các loại rượu bia, nước giải khát… Nói tóm lại là hai bộ này không quản lý quá trình tiêu dùng thực phẩm.
GS-TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam, đồng tình nguyên tắc lúc thực phẩm đang là giai đoạn sản xuất, lưu thông thì Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý. Còn khi thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng thì do Bộ Y tế quản lý. Chính vì vậy, nghị định cần quy định cụ thể tránh việc DN phải chạy đi bộ này bộ kia.
Bà Kim ví dụ: “Chân giò, cá xông khói, thịt xông khói thì quy trình, công đoạn, công nghệ làm ra thực phẩm xông khói này là do Bộ NN&PTNT quản lý. Còn thịt cá xông khói có an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng không thì là do Bộ Y tế quản lý. Theo tài liệu tôi đọc mới nhất, có đến 320 hợp chất có trong khói để xông thịt, xông cá, trong đó có những nhóm rất nguy hại đến sức khỏe con người như benzen, formaldehyde… Vậy điều đó có đúng không, thịt xông khói có an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng hay không thì thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế”.
Siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm
Theo dự thảo, DN, cá nhân kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải có trách nhiệm công bố hợp quy đối với thực phẩm trước khi ra thị trường. Đối với các thực phẩm chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật thì phải công bố phù hợp với quy định ATTP dựa trên các quy định hiện hành. Trước khi giấy chứng nhận hợp quy ATTP hết hạn thì DN phải nộp hồ sơ để xin cấp lại giấy này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Uy, Giám đốc quy chế Công ty Abbott, cho rằng nếu như thực phẩm không có gì thay đổi, quy chuẩn quốc gia cũng không thay đổi mà yêu cầu DN phải nộp hồ sơ như cũ sẽ khiến cho DN đeo một gánh nặng không cần thiết. Do vậy, ông Uy đề xuất DN chỉ cần nộp đơn xin gia hạn và trong đơn cam kết rõ khi sản phẩm thực phẩm không có gì thay đổi.
Đại diện USAID (Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ) nhận định để lấy được giấy chứng nhận đăng ký chất lượng thực phẩm, DN cần liệt kê các thành phần quan trọng bao gồm thử nghiệm vật lý (mùi vị, màu sắc…), thử nghiệm hóa học (kim loại nặng, chất phụ gia, nồng độ hợp chất lưu huỳnh…). Việc này gây chi phí tốn kém cho nhà sản xuất thực phẩm và nhà nhập khẩu thực phẩm. Hầu hết các nhà sản xuất thực phẩm Hoa Kỳ không thiện chí cung cấp những thông tin này vì họ thấy yêu cầu này vi phạm bí mật về công thức sản phẩm thực phẩm của họ.
Bà Kim lại cho rằng không thể vì lý do tiết kiệm cho DN mà không kiểm tra. Còn những chất độc hại có trong thực phẩm chỉ ở dưới ngưỡng cho phép thì mới được lưu thông. Những vi sinh vật gây bệnh không thể có mặt trong thực phẩm. Chúng ta không thể vì tốn kém cho DN mà lại gây tổn hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Đối với các thực phẩm nhập khẩu, để giảm chi phí cho DN, chúng ta cần phải thừa nhận quy chuẩn ATTP của các nước. Song, DN phải chứng minh giấy chứng nhận của nước nhập khẩu là sản phẩm đảm bảo với sức khỏe.
Nguồn PHÁP LUẬT TP.HCM

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)