Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Doanh nghiệp Thụy Sĩ hợp tác đào tạo với Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Diễn đàn giáo dục ĐH Việt Nam – Thụy Sĩ do Đại sứ quán Thụy Sĩ và Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19-9 ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý nhìn nhận, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo của Việt Nam còn thấp về kỹ năng nghề nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các ngành công nghiệp, doanh nghiệp.
Nguyên nhân do đào tạo của trường ĐH chưa gắn với doanh nghiệp, chưa theo yêu cầu xã hội, trách nhiệm của doanh nghiệp với nhà trường chưa cao. Phương pháp giảng dạy lạc hậu, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong sinh viên, người học còn yếu tiếng Anh và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông. Nghiên cứu mới của Viện Quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam cũng cho thấy rất nhiều doanh nghiệp, gồm cả gần 45% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải thực hiện đào tạo tại chỗ cho lao động mới tuyển; 25% học viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo nghề không đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức chuyên môn.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quang Quý, giáo dục ĐH có sứ mệnh quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội quốc gia. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường ĐH phải đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo. Hiện giáo dục ĐH Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng khung trình độ đào tạo quốc gia; tăng cường gắn kết giữa nhà trường – doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, để các đơn vị này tham gia vào quá trình đào tạo, đánh giá chất lượng, hỗ trợ thực tập cho sinh viên… Bên cạnh đó còn đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh theo khung chuẩn châu Âu; chuẩn hóa chương trình đào tạo các trường ĐH, tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đổi mới phương pháp dạy học nhằm tăng tính chủ động sáng tạo của sinh viên.
Việt Nam sẽ hình thành từng nhóm trường liên kết để hợp tác với các trường cùng lĩnh vực đào tạo phía Thụy Sĩ để phát huy thế mạnh mỗi bên, tránh trùng lặp. Tài chính – ngân hàng và du lịch là hai lĩnh vực cần được quan tâm. Từ lợi thế Thụy Sĩ sử dụng cả tiếng Anh, Pháp và Đức, Bộ GD-ĐT sẽ mời giảng viên của nước này về giảng dạy cho Việt Nam tại ĐH Việt Đức, ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội (ĐH Việt – Pháp) và một số chương trình đào tạo tiên tiến.
Ông Andrej Motyl (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam) bày tỏ sự ấn tượng với một số thành tựu mà giáo dục Việt Nam đã đạt được. Tuy nhiên riêng với giáo dục ĐH, ông cho rằng Việt Nam cần thực hiện một số cải cách. Ông Andrej Motyl cũng tin tưởng rằng việc hợp tác giữa hai nước, cụ thể là sự tham gia của doanh nghiệp Thụy Sĩ vào giáo dục ĐH Việt Nam trong thời gian tới sẽ giúp đánh giá chất lượng đào tạo, chỉ ra được những nguyên nhân yếu kém của nguồn nhân lực Việt Nam, cách khắc phục… để sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)