Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp tìm cách giảm giá thành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xoay trở với giá nguyên liệu tăng, người dùng thắt chặt chi tiêu, các nhà sản xuất kinh doanh tìm các cách để duy trì doanh số như thay đổi yếu tố cấu thành trong giá, thay đổi mẫu mã thiết kế, giảm thịt tăng rau cho đồ hộp…

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, các loại thực phẩm chế biến của công ty Sài Gòn Food (trước là Sài Gòn Fisco) đã hai lần tăng giá. Nếu tăng giá nữa thì nhà phân phối lẫn người tiêu dùng khó chấp nhận. Vì vậy, theo bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Sài Gòn Food: việc tung ra sản phẩm mới với giá thấp, phù hợp với mức sống của người Sài Gòn là rất cần thiết trong giai đoạn này. Mức giá phù hợp cho khay thực phẩm đông lạnh có thể làm món canh hàng ngày chỉ ở khoảng 35.000 đồng, và với chi phí này thì công ty Sài Gòn Food đã tính đến việc sản xuất các khay lẩu đông lạnh có hàm lượng rau củ quả nhiều hơn, bớt tôm, bớt cá.
 

Làm thế nào để có bữa ăn đủ chất nhưng tiết kiệm đang là mối lo hàng ngày của công nhân. Ảnh: Nguyệt Hồng

Tương tự như vậy, hộp thịt heo hầm từ mức 35.000 đồng nay đã lên đến 46.500 đồng/hộp, mà thịt heo lại đang tiếp tục tăng giá, công ty Vissan đã có những loại đồ hộp thịt heo trứng cút, thịt heo trứng gia cầm và sắp tới là thịt heo hầm bắp, thịt heo hầm rau củ… thể hiện sự đa dạng, nhưng thực chất là giúp giảm giá thành. Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cho biết, phương án tung sản phẩm chế biến mới có giá thấp hơn các dòng đang bán hiện tại là nhằm giữ sức mua của người tiêu dùng trong cơn bão giá hiện nay.
Mặt hàng đang tăng giá nhiều nhất hiện nay phải kể đến là sản phẩm từ vải. Các loại quần áo may sẵn bán ở chợ cũng đã tăng giá thêm 20% vào đầu tháng tư. Nhằm giữ giá đồ bộ mặc ở nhà ở mức 110.000 – 120.000 đồng thay vì phải tăng đến 160.000 đồng/bộ, một số cơ sở sản xuất đã tìm cách giảm giá thành bằng mẫu mã mới pha trộn giữa vải cotton với các loại vải sợi nilông, vải sợi tổng hợp khác. Bà Hồng Anh, chủ cơ sở kinh doanh vải ở chợ Tân Bình tính toán: “Việc pha trộn có thể giảm được 15 – 20% giá thành”. Một cách làm khác đang được bà Phượng, chủ sạp bán sỉ quần áo may sẵn ở chợ An Đông áp dụng là giảm bớt kích cỡ, như các kiểu quần áo mặc ở nhà thường may rộng rãi, nay đổi sang các kiểu vừa vặn theo vóc dáng giúp tiết kiệm khoảng 10% vải.
Công ty may Việt Tiến xem việc dự trữ nguyên liệu gấp ba lần so với năm ngoái là giải pháp để giữ giá hàng may mặc không tăng. Ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc công ty Việt Tiến cho biết: “So với mức điều chỉnh giá chung của các sản phẩm may mặc thuộc các công ty là 10 – 15%, thì nhãn Việt Long chỉ nhích giá thêm 5% cho một số loại sản phẩm, còn lại giữ nguyên giá cũ”.
Bích Thuỷ / SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)