Từ sáng nay 1.10, đồng loạt nhiều doanh nghiệp, công ty tại TP.HCM mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp mở cửa lại từ ngày 1.10. H.M
“Xả trại” 3 tại chỗ
Rất phấn khởi khi TP.HCM chính thức cho phép hoạt động bình thường trở lại từ hôm nay (1.10), ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, cho hay hơn 3 tháng qua, 75% lao động của doanh nghiệp (DN) phải tập trung làm việc và ăn ở tại chỗ trong nhà máy (3T), nên cuối ngày hôm qua (30.9), ông đã cho nghỉ, xả trại. Toàn bộ công ty sẽ được nghỉ 3 ngày và đến thứ hai (ngày 4.10) sẽ quay trở lại nhà máy làm việc theo quy trình “4 xanh”. Đó là các công nhân “xanh” khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhà máy “xanh” là không có người nhiễm bệnh, cung đường “xanh” và địa phương “xanh”. Với 2 tiêu chí cung đường và địa phương “xanh” thì công nhân sẽ làm giấy cam kết. Chẳng hạn từ chỗ ở di chuyển đến công ty làm việc và hết giờ quay về, không đi lại ở nhiều điểm khác và đang ở địa phương thuộc vùng “xanh”.
Các công ty không còn hoạt động theo mô hình 3T từ hôm nay. ĐỘC LẬP
Dự kiến công ty này sẽ hoạt động lại gần như đủ 100% lao động vì đã có hơn 90% công nhân tiêm đủ 2 mũi vắc xin và 10% tiêm mũi 1 đã qua 14 ngày. Trong thời gian hoạt động 3T vừa qua, lượng đơn hàng xuất khẩu của công ty vẫn được duy trì và có đủ để sản xuất đến hết năm 2021. Dù vậy, thị trường trong nước mấy tháng qua hầu như bị “đóng băng”, nên vị giám đốc này kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại, nhất là sau khi chợ truyền thống dần mở cửa, thì nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ gia tăng.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sài Gòn 3, cũng cho hay cuối ngày hôm qua, các công nhân đang thực hiện 3 tại chỗ ở công ty đã quay về nhà. Nhà máy sẽ thực hiện các công tác chuẩn bị như vệ sinh, khử khuẩn, nguyên phụ liệu, máy móc… để từ thứ hai tới sẽ đón công nhân quay lại làm việc bình thường. Hầu hết lao động của công ty đã được tiêm vắc xin mũi 2, nên ông Hồng dự kiến tuần đầu tiên sẽ hoạt động với hơn 50% lao động và sang tuần thứ 2 sẽ nhanh chóng tăng dần trở lại.
“Việc TP.HCM cho phép người dân có thẻ xanh đi lại thuận tiện cũng như Bộ Y tế giãn thời gian yêu cầu xét nghiệm đối với người lao động sẽ giúp cho DN đỡ căng thẳng hơn, việc tổ chức khôi phục lại sản xuất có thể sẽ nhanh hơn dự kiến”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.
Không có gì hạnh phúc hơn ngày trở lại
Đó là cảm xúc của rất nhiều doanh nhân. Hôm qua 30.9, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH liên kết thương mại Toàn Cầu – đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê trái cây Meet More, phải liên tục ngắt quãng cuộc trò chuyện với PV để giải quyết các vấn đề cấp dưới xin ý kiến.
Các siêu thị, trung tâm thương mại đồng loạt mở cửa. M.P
Không đủ điều kiện để đáp ứng 3T, xưởng sản xuất của Meet More phải ngưng hoạt động đến nay đã 2 tháng 16 ngày. Trong giai đoạn đó, các đơn hàng ngưng trệ, doanh thu không có, người lao động về quê, ông Luận lúc nào cũng trong tâm trạng “nóng như có lửa trong lòng”, mong ngóng từng ngày có thể hoạt động kinh doanh trở lại. Những ngày giữa tháng 9, khi lãnh đạo TP.HCM thông tin chuẩn bị mở cửa trở lại, ông Luận đã lập tức nhập về một số nguyên liệu, kết nối bạn hàng để chuẩn bị tái sản xuất. Vì vậy, sau khi TP.HCM công bố chính thức mở cửa trở lại, vị giám đốc này thở phào nhẹ nhõm.
“Giờ thì chắc rồi. DN nhận thông tin như nắng hạn gặp mưa rào. Thời gian qua, chúng tôi cố gắng đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho người lao động. Đến nay, toàn bộ công nhân viên của công ty đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Gần 5 tháng sống cùng dịch bệnh, nhân viên của công ty quá quen với việc áp dụng 5K, ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình rất cao. Các nhân sự hay phải đi lại nhiều như nhân viên giao hàng cũng được chuẩn bị công tác xét nghiệm đầy đủ. Các trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch đã trang bị không thiếu thứ gì từ văn phòng cho tới nhà máy. Nói chung, xưởng sản xuất đã sẵn sàng nóng máy trở lại”, ông Luận hào hứng nói.
Song theo ông, DN mở cửa thời điểm này vừa mừng vừa “run”. Mừng vì có cơ hội sống, nhưng “run” vì phía trước còn rất nhiều khó khăn. DN mở cửa nhưng vẫn chưa dám chạy hết công suất, vì còn phụ thuộc vào tiến độ, lộ trình mở của thành phố. Công ty của ông thời gian đầu chỉ điều động khoảng 30% nhân sự, nguyên vật liệu cũng chỉ nhập số lượng ít, duy trì thử trong khoảng 1 tuần rồi mới lập kế hoạch dài hơi hơn.
“Mong muốn lớn nhất của khối DN hiện nay là chính quyền cần mạnh dạn đưa chính sách dài hơi và giữ vững lập trường tiến tới bình thường mới. Chìa khóa là vắc xin đang được đẩy nhanh, mạnh. Người dân đã có kháng thể thì dù có nhiễm bệnh cũng bình tĩnh chữa trị như cảm cúm bình thường, xác định tinh thần sống chung với dịch là như vậy. DN thời gian qua đã kiệt quệ, thị trường bị chậm, nhiều đơn hàng đã mất. Để có thể trở lại phải dồn toàn bộ những hơi sức cuối cùng huy động tài chính, nhân công, tìm kiếm các đơn hàng mới… thì nếu lại bị giáng thêm đòn nữa chắc chắn sẽ quỵ luôn”, ông Luận vẫn phập phồng.
“Không còn gì hạnh phúc hơn” là cảm xúc đầu tiên mà ông Lương Nguyên Tâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế T-Farm, chia sẻ với Thanh Niên khi nói về câu chuyện DN trước giờ “G”.
Xưởng sản xuất nằm trong TP.HCM, không có đủ không gian để triển khai 3T, nên dù gần 100% nhân viên công ty đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin từ cách đây 1 tháng, nhưng T-Farm vẫn không thể hoạt động. Nhà máy đóng cửa, doanh thu không có, mỗi tháng ông Tâm vẫn phải chi đều vài trăm triệu đồng tiền thuê mặt bằng nhà xưởng, tiền bảo hiểm xã hội và tiền lương để duy trì cuộc sống cho người lao động.
“Không thể cầm cự hơn nữa rồi. Thành phố mở cửa không khác gì cứu người thoát khỏi cảnh cổ họng đang bị bóp nghẹt. Không chỉ DN mừng vui đâu, hàng loạt đơn hàng cà phê, bánh tráng, bánh gạo, hạt điều… từ các siêu thị đã đồng loạt réo gọi. Các khách hàng nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông… thời gian qua liên tục thúc giục nhanh trả các đơn hàng mà DN xin trì hoãn từ gần 3 tháng trước, nay cũng phấn khởi nhắn tin chia vui. Họ tin rằng T-Farm trở lại nghĩa là VN đã kiểm soát được dịch rồi. Mừng khôn xiết”, ông Tâm không giấu nổi xúc động.
Nên có hướng dẫn “thẻ xanh” cho người nước ngoài
Đại diện Công tin Intel Products VN cho biết đã đọc kỹ Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn TP.HCM và đã tiến hành các bước chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục sản xuất trong tình hình mới.
Kế hoạch của công ty là sau ngày 1.10 vẫn tiếp tục duy trì việc cho người lao động ở tại khách sạn thêm thời gian, theo phương án sản xuất “2 địa điểm – 1 cung đường” mà DN đã đăng ký thực hiện trước đây. Sau đó, công ty sẽ chọn lọc những lao động có nhà ở vùng xanh và đã tiêm 2 mũi để cho về nhà và quay trở lại công ty làm việc như bình thường… Mọi bước đi của công ty sẽ thực hiện theo từng giai đoạn, chuyển đổi từ từ chứ không thay đổi ngay bởi phải phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Nhưng công ty này vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc tổ chức sản xuất trong giai đoạn tới. Chẳng hạn, các trường hợp đã tiêm 1 – 2 mũi vắc xin mà tiếp tục nhiễm Covid-19 thì phương án thế nào? DN này đang xây dựng khu thu dung để tiếp nhận và điều trị cho những F0 là công nhân, người làm việc của nhà máy đã tiêm 1 – 2 mũi vắc xin. Song song đó, công ty cũng đã xây dựng phương án đánh giá rủi ro và hướng xử lý. Vì vậy, đại diện Intel Products VN cho rằng nên trao trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người lao động cho chính người lao động và DN. DN nào cũng phải có văn hóa bảo vệ phòng chống dịch, sản xuất an toàn, người lao động tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch tại nhà máy, tại cơ quan nơi họ làm việc. Chính họ sẽ giúp lan truyền văn hóa phòng chống dịch trong sản xuất an toàn này về nhà, lan tỏa trong cộng đồng… Điều này có tác dụng tốt và hiệu quả lâu dài trong bảo vệ sức khỏe, an toàn mùa dịch ở giai đoạn chuyển tiếp.
Thứ hai, muốn giai đoạn chuyển tiếp, mở cửa thành công, TP.HCM nên đẩy mạnh việc tiêm ngừa vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Cho phép người lao động tại 4 tỉnh lân cận TP.HCM tiêm phủ mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19 để họ có cơ hội quay trở lại thành phố làm việc trong thời gian tới.
Thứ ba, cần có chính sách nhất quán và hướng dẫn cụ thể về “thẻ xanh” đối với người nước ngoài. Hiện tại, quy định này mỗi nơi làm một kiểu, chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Nếu chuyên gia là người nước ngoài vào TP.HCM làm việc, họ đã tiêm đủ mũi 2, thậm chí mũi 3, thì công nhận hộ chiếu vắc xin của họ thế nào? Những chuyên gia này sẽ phải cách ly bao nhiêu ngày?… Ngay Intel muốn đưa người của công ty ra nước ngoài để đào tạo cũng chưa được, không có hướng dẫn cụ thể nào dành cho người trong nước đã tiêm đủ 2 mũi đi nước ngoài học, đào tạo… Vị đại diện này nhấn mạnh: Nếu chậm ban hành những hướng dẫn cụ thể này sẽ ảnh hưởng đến chuyển giao công nghệ của công ty nước ngoài tại VN.
Cần thêm gói hỗ trợ cho DN tái sản xuất
Nhiều DN dù vui mừng khi TP.HCM cho mở cửa lại kinh tế nhưng nhiều đơn vị vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, kỳ ngủ đông kinh tế quá dài đã bào mòn sức lực của khối DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, chiếm tới 80%. DN đã ngưng hoạt động thì cạn kiệt chi phí, DN thời gian qua cố gắng duy trì “3 tại chỗ” thì gần như cũng phải liên tục gồng lỗ vì chi phí quá lớn. Giống như người bệnh muốn khỏe lại cần được bơm gấp các liều thuốc bổ, DN cũng cần những gói hỗ trợ thiết thực để mau chóng hòa nhập với thị trường, vực dậy sau đại dịch.
Trong khi các DN sản xuất tất bật lo cho ngày đầu tiên thành phố mở cửa hoạt động trở lại, đến 17 giờ hôm qua 30.9, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Sài Gòn Toyo (H.Hóc Môn) cho biết chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào từ địa phương. Nên dù DN muốn gọi công nhân ở vùng xanh quay trở lại làm việc nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Đại diện công ty này cho hay từ trưa 30.9 công ty liên lạc đến 3 số điện thoại thuộc UBND xã, phòng kinh tế, nhưng đều chưa có thông tin gì rõ ràng. Có nhân viên báo chưa có thông báo gì, nên chưa được mở sản xuất. Nhân viên phòng khác thì nói có văn bản nhưng văn bản đang “trong vòng bí mật”, chưa được ký nên chưa thể công bố. DN chờ đến 17 giờ ngày 30.9 vẫn chưa có bất kỳ hướng dẫn nào.
“Các tiêu chí do UBND TP.HCM đưa ra chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được. Đó là công nhân tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã qua 14 ngày, công nhân sống trong vùng xanh. Nếu mở cửa hoạt động, chúng tôi vẫn tiến hành những bước đi hết sức cẩn trọng, xét nghiệm kỹ và tuân thủ 5K, giãn cách đầy đủ. Thực tế, chúng tôi mong muốn các cơ quan hành chính cấp xã cũng thấy sốt ruột như DN, đẩy mạnh các hướng dẫn nhanh, gọn và hợp tác nhất có thể. Quan trọng nhất là phải duy trì sản xuất trong bối cảnh bảo đảm an toàn chống dịch”, đại diện DN này chia sẻ.
|
“Nhiều anh em doanh nhân nói với tôi công ty họ không còn đủ sức để hoạt động trong 1 tháng tới. Từ giờ đến tết, DN còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ giá nguyên vật liệu tăng cho tới thiếu nhân công. Vì thế, ngay trong giai đoạn đầu mở cửa, cần có những gói hỗ trợ an sinh cho DN như những gói an sinh cho người dân. Chính phủ cần những chính sách đặc thù cho TP.HCM để giúp DN mau chóng vực dậy. TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm phía nam. Nếu khối DN tại thành phố vực dậy tốt, kinh tế trở lại nhanh chóng, mở cửa thành công thì sẽ tạo sức lan tỏa rất lớn, tạo niềm tin kéo các tỉnh, thành khác cùng mạnh dạn mở cửa theo”, ông Luận kiến nghị.
Đồng tình, ông Lương Nguyên Tâm cho rằng giai đoạn đầu mở cửa chắc chắn DN còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chưa thể kịp thời hỗ trợ thì ít nhất thành phố cần có những điều chỉnh phù hợp để tiết giảm chi phí cho DN.
Ví dụ những khó khăn trong vấn đề di chuyển trước đây đã đẩy chi phí logistics tăng quá cao, trở ngại rất lớn cho hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, tác động đẩy giá thành sản phẩm, không chỉ làm mất lợi thế cạnh tranh của DN mà còn ảnh hưởng tới người tiêu dùng, kéo theo nguy cơ lạm phát. Giờ vẫn chưa có quy định liên vùng thì e rằng chuỗi cung ứng vẫn chưa thể trở về bình thường…
“Đã xác định mở cửa thì cần có những quy định phù hợp đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, để DN hoạt động bình thường. Giai đoạn cơ thể DN đang rệu rạo, cần hỗ trợ từ nhà nước để giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN”, ông Tâm đề xuất.
Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đồng loạt mở cửa trở lại
Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ điện thoại di động, điện máy tại TP.HCM như Co.opmart, Co.op Food, Lotte Mart, AEON, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh… đều thông báo chính thức mở cửa đón khách trở lại từ sáng 1.10. Theo Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng, hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op sẽ mở cửa theo khung giờ hoạt động bình thường theo quy định của lãnh đạo thành phố và phục vụ khách có thẻ xanh trên các ứng dụng y tế hiện hành. Song song đó, tiếp tục phát huy các kênh bán hàng online một cách hiệu quả và tổ chức, sắp xếp đội ngũ giao hàng để cung ứng hàng hóa đến người tiêu dùng nhanh nhất có thể. Các siêu thị vẫn tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo yêu cầu của địa phương; tuân thủ 5K; kiểm soát, phân luồng khách hàng vào siêu thị hợp lý, đảm bảo quy định giãn cách và quan tâm vận động, tranh thủ sự đồng thuận, hợp tác của người dân, các đối tác… cùng chung tay thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch để chuyển đổi thành công sang trạng thái “bình thường mới”.
|
Theo TNO
Bình luận (0)