Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp TPHCM “Bắc tiến”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vào đầu những năm 2000, tỷ lệ sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) TPHCM bày bán tại Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, nay con số này đã lên đến hàng chục, hàng trăm. Đâu là những yếu tố giúp các DN TPHCM “đứng” được trên đất Bắc?
Vissan, một trong những doanh nghiệp TP thành công trên thị trường phía Bắc. Ảnh: CAO THĂNG
Dấu ấn Saigon Co.op
Sau nhiều năm tìm kiếm mặt bằng, đối tác, ngày 28-4 vừa qua, Saigon Co.op đã chính thức đưa vào hoạt động siêu thị Co.opMart Sài Gòn đầu tiên tại Hà Nội nói riêng và tại miền Bắc nói chung. Ngay trong ngày khai trương, doanh số của Co.opMart Sài Gòn đã đạt tới 3 tỷ đồng, trong đó hàng phi thực phẩm chiếm hơn 70% doanh số.
Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op: “Hiện chúng tôi đã có 43 siêu thị tại nhiều tỉnh thành và đều đã thành công. Tuy vậy, việc mở một siêu thị tại Hà Nội vẫn làm chúng tôi hồi hộp, lo lắng vì chưa nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân ở đây. Nhưng với lượng khách đến mua sắm trong mấy ngày qua, chúng tôi đã bắt đầu thở phào: người dân Hà Nội rất thích và Hà Nội vẫn thiếu những hàng Việt Nam chất lượng cao thuộc các nhóm hàng công nghệ phẩm, hàng may mặc và hàng tiêu dùng… Đây là thế mạnh của Saigon Co.op, vì hàng năm, hệ thống siêu thị Co.opMart đều tổ chức “Tháng hàng Việt” vừa nhằm tôn vinh vừa kích cầu tiêu dùng, thông qua các chương trình khuyến mại lớn”.
Trên thực tế, đi trước Saigon Co.op, có nhiều thương hiệu quen thuộc như Nino Max, Foci, Việt Tiến, Biti’s, Nhà Bè đã đến Hà Nội… Thế nhưng, việc Saigon Co.op chính thức đặt chân lên đất thủ đô, đồng nghĩa với việc vào Co.opMart Sài Gòn, người ta có thể mua được sản phẩm của các DN TPHCM đã từng có mặt hoặc chưa có điều kiện “Bắc tiến” như Cầu Tre, APT, Safooco, Việt Thy, Thắng Lợi, Paltal, Tân Phú…
Tại đây, người tiêu dùng cũng được làm quen với hàng trăm mặt hàng mang chính thương hiệu Co.opMart với giá rẻ hơn từ 5%-7% so với sản phẩm cùng loại. Những đặc sản phương Nam được trưng bày ở một gian hàng riêng như bánh pía, bánh tráng sữa, kẹo dừa, sầu riêng, măng cụt, xoài, chôm chôm, bưởi, thanh long… giúp người dân Hà thành có thêm cơ hội lựa chọn trong tiêu dùng.
Mở rộng thị trường – cách nào?
Rất nhiều thương hiệu dù đã nổi tiếng tại TPHCM và các tỉnh phía Nam nhưng thực tế để chinh phục thị trường phía Bắc là việc không đơn giản. Ngay từ năm 1997, Vissan đã “Bắc tiến” bằng việc đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tại tỉnh Bắc Ninh. Thời gian đầu, Vissan rất vất vả khi “đối mặt” với những đặc sản như giò lụa, giò bò Ước Lễ, các sản phẩm đóng hộp của các DN khác, đó là chưa kể khẩu vị của 2 miền hoàn toàn khác nhau.
Phải mất tròn 10 năm đến năm 2007, các loại thực phẩm chế biến của Vissan mới thực sự tìm được chỗ đứng tại các siêu thị, cửa hàng bán sỉ và lẻ thông qua sự hợp tác với Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Hapro.
Theo nhận định của Vissan, thị trường miền Bắc rất tiềm năng, nhưng để khai thác không còn cách nào phải tiếp tục đầu tư để chế biến tại chỗ, đa dạng hóa mặt hàng, hạn chế chi phí vận chuyển để giảm giá thành.
Một DN trong ngành may mặc của TPHCM đã thâm nhập thành công tại thị trường miền Bắc cho rằng, khó khăn lớn nhất không phải sự khác biệt về tiêu dùng giữa 2 miền Bắc – Nam mà chính là việc cạnh tranh trực diện với hàng ngoại nhập. Nếu DN có chiến lược vượt mặt đối thủ thì mới tính đến chuyện “Bắc tiến”.
Với tư duy này, Biti’s không những chinh phục được thị trường miền Bắc mà còn thành công khi vươn sang các tỉnh Tây Nam Trung Quốc từ những năm 2004-2005. Còn với Saigon Co.op, việc đưa vào hoạt động Co.opMart Sài Gòn chỉ là điểm khởi đầu để tiến tới xây dựng hàng loạt các siêu thị Co.opMart khác tại các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh…
Tuy nhiên, theo tính toán của bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SCID, hiện giá thuê mặt bằng tại các tỉnh phía Bắc đều cao hơn các tỉnh phía Nam. Riêng tại Hà Nội, chi phí để vận hành một siêu thị đã cao hơn 1,5 lần so với TPHCM. Đó là chưa kể, nguồn hàng tại miền Bắc không dồi dào, phong phú như tại TPHCM.
Trong số hơn 30.000 mặt hàng đang bày bán tại Co.opMart Sài Gòn có tới 50% Saigon Co.op đưa từ TPHCM ra, thông qua đường sắt hoặc đường bộ. Trong số 250 nhân viên đang làm việc tại Co.opMart Sài Gòn chiếm một nửa là người từ TPHCM ra.
Tất cả những điều này đã làm đội chi phí kinh doanh lên rất cao, song để giữ giá và cạnh tranh, Saigon Co.op tuyệt nhiên không nâng giá bán. Đây là một bài toán cực kỳ hóc búa đối với Saigon Co.op.
Về lâu dài, đơn vị này đang tính đến việc xây dựng một tổng kho, diện tích khoảng 100.000m² làm đầu mối phân phối hàng hóa cho các tỉnh phía Bắc. Ngoài giá bán, chất lượng hàng hóa đảm bảo, để đứng vững tại các tỉnh phía Bắc, Saigon Co.op xác định cần nâng cao chế độ hậu mãi, thông qua chương trình khách hàng thân thiết và các tiện ích như bán hàng qua internet, qua điện thoại, trang bị các máy rút tiền,…
Mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ hàng hóa nhằm chiếm lĩnh sân nhà là xu hướng chung của hầu hết các DN TPHCM. Tuy vậy, sau nhiều năm loay hoay với chiến lược này, nhiều DN mới chỉ bó hẹp tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Hơn lúc nào, các DN rất cần một chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các tỉnh thành xa trung tâm nhưng bao giờ công tác này mới được các cơ quan chức năng của TPHCM triển khai?
Theo Thúy Hải / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)