Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp trước khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước trong bối cảnh giá sợi thành phẩm tăng cao đã ngưng lấy hàng.

Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ngành sản xuất trong đó có thức ăn chăn nuôi, sản xuất may mặc… hiện phải đối mặt với tình trạng giá đầu vào tăng chóng mặt.

Bà Phan Kim Hằng, Giám đốc công ty Sợi chỉ may Phong Phú cho biết, nguyên liệu sản xuất chính là bông nhập khẩu đang rơi vào tình trạng khan hiếm nặng nề. Bà Hằng cho biết vừa nhận thông báo của đầu mối cung cấp bông nguyên liệu ở Singapore cho biết bông nguyên liệu giao hàng cho tháng 4, tháng 5 hiện không còn và nếu muốn thì doanh nghiệp phải chờ đến tháng 7.

Đi kèm với thông báo hết nguyên liệu, giá bông trên thị trường đồng thời cũng nhảy vọt lên lên 4,5 đô la Mỹ/kg so với giá trước Tết Nguyên đán là 3,8 đô la Mỹ/kg trong khi doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận khi giá bông duy trì ở mức 4,2 đô la Mỹ/kg. “Chưa bao giờ tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thấp như hiện nay!”, bà nói.
Nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước trong bối cảnh giá sợi thành phẩm tăng cao đã ngưng lấy hàng.
Còn trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Lê Trần Trí Dũng, Trưởng khu vực ĐBSCL công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Proconco cho biết, hiện giá thức ăn cho cá tra ngày 14-2, loại có độ đạm 28% là 10.900 đồng/kg, loại 26% là 10.242 đồng/kg, loại 22% là 9.936 đồng/kg.
Và nếu so sánh với cùng kỳ này của năm 2010 thì giá thức ăn 3 loại nói trên đã tăng 8 lần, trung bình mỗi lần tăng giá là 220 đồng /kg. Ông Dũng cũng cho biết, có thể trong tháng 2, đầu tháng 3 giá các loại thức ăn của Proconco sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 300 đồng/kg.
So với một số mặt hàng tiêu dùng khác, giá thức ăn chăn nuôi chịu tác động trực tiếp của biến động tỷ giá. Tuy nhiên theo ông Dũng, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi không tăng giá tức thì mà phải có lộ trình thời gian.
“Do phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài và thời gian để lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam cần khoảng 2 tháng. Nghĩa là các công ty tăng giá thức ăn tăng giá là tính từ lô hàng nguyên liệu nhập khẩu ứng với tỷ giá mới”, ông giải thích.
Ngoài biến động của tỷ giá, theo doanh nghiệp còn có một nguyên nhân khác đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng là từ đầu năm 2010 thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước như bắp, bột cá, bột thịt, xương từ 0% lên 5%, dầu cá từ 5% lên 7%, còn bột mì tăng từ 10% lên 15%.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cho biết đang phải đối phó với giá nguyên liệu trên thị trường có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân được các nhà cung cấp gỗ từ Mỹ và Canada được giải thích do nhu cầu tiêu thụ gỗ cưa xẻ đạt chuẩn trên toàn cầu nói chung và đặc biệt của thị trường Trung Quốc tăng mạnh, bắt đầu từ nửa cuối 2010 đã góp phần đẩy giá nguyên liệu này lên khoảng 10-20% tùy loại.
Trong khi đó, thời gian doanh nghiệp chốt giá cho khách hàng thường kéo dài từ 3 tháng trở lên, giá các loại nguyên liệu, vật tư, điện nước trong thời gian đó nếu thay đổi sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng bị động.
Để duy trì hoạt động sản xuất, ngoài việc chọn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất sợi đã cho biết sẽ chuyển sang xuất khẩu một phần hàng hóa để tiêu thụ hàng tồn kho và tận dụng đợt tăng tỷ giá mới đây.
Theo ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính đầu tư thì các công ty thương mại dịch vụ nhập khẩu hàng hóa, hay sản xuất có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu là đối tượng chịu nhiều tác động của bối cảnh giá đầu vào cùng nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô tác động.
“Nhưng thật ra các thay đổi vĩ mô, ví dụ như đợt tăng tỷ giá gần đây, trước khi diễn ra đều được thể hiện trên thị trường và doanh nghiệp nếu theo dõi kỹ sẽ biết được để có những bước chuẩn bị cho kinh doanh.” ông nói.
Bên cạnh đó, để vượt qua khó khăn từ các yếu tố đầu vào tăng giá, theo ông Hiển, các nhà đầu tư sản xuất phải tái cấu trúc sản xuất, tăng giá trị gia tăng để vượt qua khó khăn trước mắt.
“Việc giảm bớt hàm lượng nguyên liệu nhập khẩu hay thâm dụng nguyên liệu là vấn đề sống còn với nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới đây”, ông nói thêm.
Nguồn TBKTSG

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)