Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Doanh nghiệp – trường nghề: Chưa có tiếng nói chung

Tạp Chí Giáo Dục

Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nghề. Thế nhưng, sự “lệch pha” giữa hoạt động đào tạo với yêu cầu tuyển dụng đang khiến họ và các trường nghề chưa thể có tiếng nói chung.

Học sinh trung cấp nghề Trường CĐ Nghề VN – Singapore thực hành nghề điện công nghiệp. Đây là trường cung cấp nhiều lao động cho các doanh nghiệp tại Bình Dương – Ảnh: Đ.T.Duy
Theo dự thảo chiến lược phát triển đào tạo nghề đến năm 2020 của Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐTB&XH), dạy nghề trong doanh nghiệp sẽ giữ vai trò chủ yếu. Đây được cho là một trong những giải pháp để giải quyết bài toán chất lượng đào tạo nghề cũng như hướng đến dạy nghề theo nhu cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi tiếp xúc với trường nghề.
Sao không thấy hồi âm?!
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo chiến lược phát triển đào tạo nghề đến năm 2020 ngày 10-10, ông Lê Phước Vinh, tổng giám đốc Công ty Nor-Cal Việt Nam (Đồng Nai), không giấu thất vọng sau hai lần đích thân đến Trường cao đẳng T để tuyển dụng lao động nhưng đều bị trường “làm lơ”. Ông Vinh cho biết việc tuyển dụng nhân lực của công ty ông luôn gặp khó khăn do tay nghề người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu.
Năm 2008, ông đến Trường T gửi công văn và các yêu cầu cụ thể để tuyển dụng 20 lao động chuyên về kỹ thuật chính xác. Chờ đợi cả năm trời, công ty vẫn không nhận được bất kỳ hồi âm nào của trường. Tháng 6-2009, ông Vinh một lần nữa đến Trường T gửi công văn với nhu cầu tuyển dụng 20 người. Lần này trường trả lời tháng 9 có khóa tốt nghiệp và sẽ giới thiệu. Tuy nhiên đến nay gần giữa tháng 10 vẫn chưa có hồi âm từ Trường T.
Nghe chuyện này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đàm Hữu Đắc lắc đầu: “Thật đáng buồn! Lẽ ra trường nên phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra khi doanh nghiệp tin tưởng nhà trường”.
Cần có chính sách và hỗ trợ cụ thể
Theo một số trường nghề, việc tham gia của doanh nghiệp không chỉ là về mặt tiền bạc mà còn là máy móc trang thiết bị, cơ sở thực hành thực tập. Chính điều này sẽ giúp sinh viên tiếp cận sâu với máy móc cũng như các kỹ thuật mới. Nhiều doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cần có chính sách và hỗ trợ cụ thể thì doanh nghiệp mới có thể làm tốt công tác này. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết rất sẵn sàng tham gia công tác này, tuy nhiên lại băn khoăn sẽ được hỗ trợ gì về thuế và chi phí khi nhập linh kiện máy móc phục vụ đào tạo, chi phí đào tạo có được tính vào chi phí sản xuất?
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đàm Hữu Đắc nhấn mạnh: doanh nghiệp phải có vị trí xứng đáng trong chiến lược này để góp phần giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên việc phối hợp thực hiện như thế nào cho hiệu quả cũng cần phải tính toán kỹ.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối trong ngành nghề đào tạo ở các trường khiến công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng. Do chuyên lắp ráp, chế tạo các giàn khoan khai thác trên biển nên Công ty Nor-Cal Việt Nam có nhu cầu về thợ cơ khí, hàn rất lớn. Thế nhưng, theo ông Vinh, thời gian gần đây hầu như không tuyển được thợ hàn. Thời gian tới công ty sẽ tuyển khoảng 500 công nhân nghề này. Ông Vinh nói như “năn nỉ”: “Trường nào có đào tạo thợ hàn thì giới thiệu cho chúng tôi!”.

Không chỉ chưa tìm được tiếng nói chung khi tuyển dụng, doanh nghiệp và nhà trường nhiều khi còn vướng về việc thực tập của sinh viên. Nhiều ý kiến cho rằng việc các doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập sẽ có nhiều điều kiện để đánh giá và tuyển dụng khi số sinh viên này ra trường. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngại và từ chối nhận sinh viên thực tập.
Theo ông Trần Công Chiếu – trưởng phòng nhân sự Công ty Dịch vụ cơ khí hàng hải (Vũng Tàu), việc nhận sinh viên thực tập đang vướng về chế độ bảo hộ, an toàn lao động. Những sinh viên thực tập khi lao động trực tiếp nguy cơ rủi ro rất cao, bảo hộ lao động sẽ như thế nào?
Băn khoăn hỗ trợ dạy nghề
Nói về sự “lệch pha” giữa trường nghề và doanh nghiệp, ông Lê Văn Hiền – hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 – chia sẻ: “Hiện chưa có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trường đào tạo theo cái mình có, doanh nghiệp không sử dụng được thì đào tạo lại. Điều này vừa mất thời gian vừa tốn kém”.
Ông Hiền cho rằng để giải quyết bài toán này, sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình này là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo, cũng như hạn chế tình trạng kêu ca về tay nghề của người lao động.
Ông Hiền so sánh: “Học phí trường chúng tôi 6 triệu đồng/năm. Trong khi để đào tạo lại công nhân trong hai tuần, có công ty mất đến 8 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, hỗ trợ hoặc huấn luyện sinh viên thực tập trên máy móc hiện đại của công ty thì khi ra trường tay nghề sẽ nâng cao hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Hùng – đại diện Công ty CNC – đề xuất: “Doanh nghiệp sẽ đưa đơn đặt hàng đào tạo cho trường. Trường chịu trách nhiệm đào tạo theo yêu cầu và doanh nghiệp sẽ kiểm tra quá trình đào tạo có theo đơn đặt hàng hay không. Trong quá trình này, sinh viên sẽ có 2/3 thời gian học ở trường, phần còn lại là thực hành, huấn luyện tại doanh nghiệp”.
MINH GIẢNG (TTO)

 

Bình luận (0)