Trong 5 năm tới (giai đoạn 2010-2015), toàn TP.HCM cần khoảng 300.000 chỗ làm việc/năm. Nhu cầu rất lớn nhưng hiện nay, người lao động vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong tìm kiếm công việc phù hợp và ổn định do thiếu định hướng về nghề nghiệp… Đây là nhận định của ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) tại hội thảo “Hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 23-10.
“Thiếu điểm nhấn!”
Lao động khó kiếm việc làm trong khi đó đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo lại “đào” không ra nguồn lao động đạt chất lượng. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà đào tạo thời gian qua được đánh giá như một bức tranh “thiếu điểm nhấn”. Ông Nguyễn Tử Anh (Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Hoa Sen Group) thẳng thắn nhìn nhận, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường chủ yếu qua việc tài trợ học bổng, nhận thực tập và tuyển dụng SV khi tốt nghiệp. Hàng năm cứ đến hẹn thì chương trình này lại được thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa được đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả. Theo ông Tử Anh, quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng hai bên. Giữa doanh nghiệp và nhà đào tạo chưa có cơ chế hoạt động chung; chủ yếu thiên về hỗ trợ nhau hơn là hợp tác bình đẳng (doanh nghiệp hỗ trợ vật chất, nhà trường hỗ trợ tuyển dụng).
Phía các cơ sở đào tạo, trở ngại là không ít trong quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, điển hình nhất là ở khâu tìm kiếm chỗ thực tập cho SV. ThS. Trương Minh Kiệt (Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp – Hỗ trợ SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nêu khó khăn, hàng năm trường phải đưa khoảng 5.000 SV đi đến các đơn vị, doanh nghiệp thực tập, tuy nhiên cố gắng lắm trường cũng chỉ thực hiện được khoảng phân nửa con số trên. Số còn lại do tự SV tìm kiếm. Ông Kiệt kiến nghị, các doanh nghiệp cần cùng với nhà trường tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo để tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng chứ không chỉ đơn thuần ở việc trao học bổng khuyến khích SV, khi đó mới giải quyết cặn kẽ được vấn đề. Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mặc dù hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp các năm qua đã được quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo nhà trường, kết quả đạt được cũng chưa tương xứng lắm. Hoạt động này thiếu tính hệ thống và không thường xuyên. Nhà nước chưa ràng buộc doanh nghiệp trách nhiệm đóng góp khi sử dụng nhân lực (mới chỉ dừng ở mức độ “vận động” là chính) nên việc hợp tác còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả. Doanh nghiệp hợp tác với trường chủ yếu theo hướng “tài trợ” chứ không phải nghĩa vụ. Chỉ số rất ít doanh nghiệp có chiến lược đầu tư nguồn nhân lực mới đẩy mạnh hợp tác với trường, hỗ trợ SV học tập và phát triển nghề nghiệp. Đồng tình, TS. Đỗ Phú Trần Tình (Trưởng bộ môn Kinh tế học Trường ĐH Kinh tế – Luật) cũng đề nghị các doanh nghiệp ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong liên kết với các trường để cải thiện chất lượng đào tạo SV.
SV phải chủ động
Có mặt tại hội thảo, nhiều SV “than” rằng chương trình học quá nặng khiến các em khó tổ chức được thời gian tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể hoặc làm thêm để rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm, trong khi các nhà tuyển dụng rất quan trọng những tiêu chí này. Các nhà tuyển dụng và nhà trường lại phàn nàn, SV hiện rất thiếu tính chủ động trong việc tự trang bị kỹ năng, kiến thức chuyên môn và tiếp cận thông tin về thị trường lao động. Bà Nguyễn Thị Liên (Phó giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú) nêu cụ thể, nhiều SV có tư tưởng chỉ thực tập cho xong thời gian, hoàn thành báo cáo nộp về trường chứ chưa thực sự muốn tìm hiểu rõ hơn về doanh nghiệp. Có những phần, các em chỉ copy từ báo cáo của những SV khóa trước mà không căn cứ theo tình hình thực tế tại công ty mình đang thực tập. Bà Liên cho rằng, đơn vị rất khuyến khích những SV có nhu cầu tìm hiểu để nắm rõ thông tin về công ty nhưng hầu như không nhận được sự hưởng ứng.
Công tác hướng nghiệp cho SV trong hoạt động đào tạo ĐH được nhiều đại biểu nhấn mạnh nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. TS. Nguyễn Ánh Hồng (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) dẫn chứng, hàng trăm SV năm cuối (được khảo sát) chưa thấy tầm quan trọng của kiến thức chuyên môn trong khi đây là một trong những yếu tố được các nhà tuyển dụng xem trọng khi tuyển lao động. “Vì chưa nhận thức được tầm quan trọng đó nên có một bộ phận SV chưa tích cực tích lũy tri thức trong thời gian học tập” – TS. Hồng nhận định.
Mê Tâm
Bình luận (0)