Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường nghề trong đào tạo lao động được xem là một câu chuyện khá cũ, tuy nhiên lại là một câu chuyện mới khi giữa hai bên chưa có tiếng nói chung.
Đối tác nước ngoài tham quan xưởng thực hành của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức
Tại hội thảo về kỹ năng nghề do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Đại sứ quán Úc và Phòng Thương mại – Công nghiệp Úc tổ chức mới đây ở phía Nam, nhiều đại biểu là chuyên gia đến từ các trường nghề, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều tỏ ra lo lắng trước sự hợp tác giữa hai bên chưa thực sự có hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với trường nghề, ông Mario (CEO Công ty Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực Tradiebot Industries, Úc) nói: Trong quá trình xây dựng đội ngũ lao động để cung ứng cho thị trường, chúng tôi gần như “đo ni đóng giày” cho doanh nghiệp. Từ những tiêu chí mà doanh nghiệp đưa ra, chúng tôi kết hợp với trường nghề đào tạo, huấn luyện để khi tốt nghiệp ra trường, người học có thể bắt tay làm việc ngay mà không phải mất thời gian đào tạo. “Để có được kết quả này, hai bên phải lắng nghe, từ đó có tiếng nói chung trong xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá…”, ông Mario nhấn mạnh.
“Nếu doanh nghiệp không xây dựng chiến lược nhân sự bằng cách hợp tác lâu dài với trường nghề để đào tạo nguồn nhân lực thì chắc chắn trong tương lai gần sẽ đối mặt với khủng hoảng thiếu nhân lực”, ông Nguyễn Chí Trường (Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) khẳng định. |
Mổ xẻ vấn đề tại sao doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia đào tạo cùng trường nghề, ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) khẳng định do Chính phủ chưa có chính sách cụ thể nào cho doanh nghiệp. Lâu nay chỉ nói chung chung là khuyến khích doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, cụ thể thế nào thì chưa rõ ràng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không mặn mà hợp tác với trường nghề mà phải chấp nhận việc tuyển dụng bên ngoài rồi đào tạo lại theo điều kiện thực tế của đơn vị. Tương tự, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) nêu quan điểm: “Khi đã hợp tác, quan hệ giữa hai bên phải hài hòa, cùng có lợi. Doanh nghiệp được gì, trường nghề được gì…, nội dung này phải cụ thể, rõ ràng thể hiện đầy đủ trong biên bản ký kết hợp tác. Nhưng đó chỉ là cam kết giữa hai bên, cần phải có cam kết của bên thứ ba nữa, đó là Nhà nước”, bà Thủy nói. Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) chỉ rõ mặt hạn chế trong hợp tác đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp là kỹ năng sư phạm của thợ cả (từ doanh nghiệp). Theo đó, thợ cả giỏi nghề nhưng thiếu kỹ năng truyền đạt cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, tuyển chọn người hội đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm… là không dễ. “Dù có đầu tư trang thiết bị đào tạo hiện đại đến đâu, trường nghề cũng khó có thể theo kịp doanh nghiệp; vì thế hợp tác với doanh nghiệp, nhà trường có cái lợi là tiếp cận được công nghệ mới, giáo viên và người học có cơ hội tiếp cận. Ngược lại, phía doanh nghiệp chuẩn bị được cho mình một đội ngũ lao động tương lai theo tiêu chí mà mình đã đưa ra”, bà Lý nhìn nhận. Trong khi đó, ông Trương Tấn Lộc (Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng – STC) cho biết: Nhận thấy cái lợi khi hợp tác với trường nghề, chúng tôi đã chủ động liên hệ với trường tham gia đào tạo và tiếp nhận người học ngành logistics đến thực tập, thực hành tại Tân Cảng. Được làm việc trong môi trường hiện đại, năng động, người học rất hứng thú – đây chính là lực lượng lao động trong tương lai của Tân Cảng.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đánh giá, hiện nay có không ít doanh nghiệp chưa mặn mà hợp tác trong đào tạo nghề, bởi trường nghề chưa có đủ năng lực thực tế để doanh nghiệp tin cậy. Vì thế, trong quá trình hợp tác hai bên phải xây dựng niềm tin cho nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn; trường nghề làm thế nào để doanh nghiệp tự tìm đến mình chứ không thể đến với nhau vì cả nể, quen biết.
Ông Nguyễn Chí Trường (Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) khẳng định, nếu doanh nghiệp không xây dựng chiến lược nhân sự bằng cách hợp tác lâu dài với trường nghề để đào tạo nguồn nhân lực thì chắc chắn trong tương lai gần sẽ đối mặt với khủng hoảng thiếu nhân lực.
Theo nhiều chuyên gia đến từ doanh nghiệp và trường nghề, để huy động doanh nghiệp tham gia vào Hội đồng xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề cũng như đánh giá kỹ năng nghề, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)