Ngành vận tải biển Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, giá cước vận tải vẫn thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí vận tải đặc biệt và chi phí nhiên liệu tăng cao… Đó là những khó khăn được chia sẻ tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức ngày 5-8.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã “nhấn chìm” hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước.
Thiếu tàu chuyên dụng, trọng tải lớn
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cơ cấu đội tàu Việt Nam hiện đang rất bất hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp chiếm tỷ lệ rất lớn trong khi tàu chuyên dụng, tàu container lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, dẫn đến tình trạng dư thừa tàu hàng rời tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ trong khi đang thiếu tàu chuyên dụng, tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế. Cụ thể, trong tổng số 1.700 tàu của đội tàu Việt Nam chỉ có 28 tàu chở container.
* Hầu hết các ý kiến được các doanh nghiệp vận tải biển gửi tới lãnh đạo Bộ GTVT đều xoay quanh kiến nghị giảm lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền gửi, áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, miễn thu tiền chậm nộp thuế; nới lỏng một số tiêu chuẩn kỹ thuật, nới độ tuổi của tàu… |
Tốc độ phát triển loại tàu chở container của Việt Nam cũng rất thấp, trong 4 năm gần đây tốc độ phát triển loại tàu này trên thế giới đạt trung bình 6,8%/năm thì Việt Nam chỉ đạt trung bình khoảng 1,1%. Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của tàu chở container của Việt Nam cũng rất hẹp, hầu hết mới chỉ trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan mà chưa thể thực hiện các chuyến đi thẳng. Thị phần vận tải xuất nhập khẩu của đội tàu trong nước chỉ chiếm khoảng 10% – 12% tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, còn lại do đội tàu nước ngoài đảm nhận.
Những khó khăn khách quan từ phía thị trường cộng với cơ cấu đội tàu bất hợp lý đã khiến các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang tiếp tục chìm sâu vào suy thoái, hiệu quả kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phải phá sản.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, than thở: “Hầu hết các chủ tàu đều đang phải khai thác dưới giá thành, thậm chí lỗ, nhiều chủ tàu phải dừng khai thác. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều đang trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng để duy trì sản xuất kinh doanh cũng như phát triển đội tàu”.
Sớm ban hành giá sàn xếp dỡ hàng hóa
Trong khi các doanh nghiệp vận tải nhất tề đòi giảm chi phí thì các doanh nghiệp cảng biển cũng lại đồng loạt kêu khó và đòi tăng phí và lệ phí hàng hải.
Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn đề nghị: “Cần nhanh chóng ban hành giá sàn cảng biển cho cảng TPHCM và Hải Phòng để bình ổn thị trường, mà không phải cạnh tranh bằng việc hạ giá như nhiều năm nay. Đồng thời, cần ban hành biểu giá sàn mới cho cảng Cái Mép – Thị Vải cao hơn ít nhất 5% so với khu vực TPHCM”.
Ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng cũng đề nghị sớm ban hành quy định giá sàn trong xếp dỡ hàng hóa tại các cảng để có điều kiện đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ rà soát, báo cáo nâng giá sàn cho cảng Cái Mép – Thị Vải lên 46 USD với container 20 feet và 75 USD với container 40 feet. Hiện giải pháp tăng luồng hàng cho cảng Cái Mép – Thị Vải cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận đề án.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan nhằm tăng cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã chấp nhận dùng tàu nội địa với các thị trường gần, sau một thời gian xem xét, nếu tàu Việt Nam có đáp ứng tốt sẽ chuyển sang các thị trường biển xa. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công kêu gọi các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam quan tâm hơn đến 2 ngành hàng đang còn bị bỏ trống là vận tải xi măng rời, khí hóa lỏng.
Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp vận tải biển, Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giá sàn trong xếp dỡ hàng hóa tại cảng. Bộ trưởng kêu gọi, các doanh nghiệp trong nước muốn mạnh hơn phải tự nâng cao năng lực bốc xếp, nâng cao năng lực đàm phán để nâng thị phần vận tải và đặc biệt phải liên kết lại để tạo nên sức mạnh tổng thể cho ngành vận tải biển Việt Nam.
BÍCH QUYÊN
(SGGP)
Bình luận (0)