Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp vận tải, sản xuất kêu trời vì xăng dầu tăng giá mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Sau cú tăng sốc giá xăng dầu trong kỳ điều hành giá cuối cùng của năm 2016, thông tin từ các doanh nghiệp vận tải và sản xuất cho biết, khó có thể kìm giá bán và giá vận chuyển trong thời gian tới do giá xăng, dầu tăng quá mạnh.

Doanh nghiệp vận tải, sản xuất kêu trời vì xăng dầu tăng giá mạnh
Người dân mua xăng lúc 15h ngày 20/12 tại cây xăng Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Vận tải tính chuyện tăng cước

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đánh giá: Cuối năm là thời điểm các hãng vận tải có xu hướng tăng giá vì nhu cầu đi lại tăng, nhiều chuyến lệch đầu (đi hai chiều chỉ một chiều đông khách, nhiều hàng), nay cộng với việc tăng giá xăng liên tục, đột biến doanh nghiệp sẽ khó giữ được giá.  “Chắc chắn doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cho phù hợp thị trường. Theo quy định, khi giá xăng dầu tăng thêm 5% thì doanh nghiệp được phép tăng giá, các lần tăng gần đây đã vượt quá ngưỡng này”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên hiệp hội cân nhắc kỹ lưỡng về mức tăng để tránh bị mất khách. Nếu tăng quá sẽ không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp giữ giá và doanh nghiệp phải tìm cách cắt giảm các chi phí khác. Ông Thanh cũng đồng ý với quan điểm cần có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, giám sát của người tiêu dùng để hạn chế sự tăng giá tràn lan.

Về dịch vụ taxi, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, với mức tăng giá xăng dầu hiện nay, doanh nghiệp taxi khó có thể giữ được giá cũ. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, lúc nào tăng sẽ cần phải tính toán.

“Chúng tôi lo ngại nhất là sau khi tăng giá cước, giá xăng dầu lại hạ thấp thì lại phải điều chỉnh giá cước. Trong khi, việc điều chỉnh giá cước với taxi rất tốn kém vì xe phải nghỉ một buổi, đến cơ quan chức năng điều chỉnh đồng hồ, thay bảng thông báo giá dán trên xe… Chúng tôi mong muốn cơ quan Nhà nước có cách nào đó dự báo tăng giảm giá xăng dầu trong dài hạn để doanh nghiệp chủ động hơn” – ông Bình đề nghị.

Doanh nghiệp sản xuất kêu trời

Ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển cho biết, đợt tăng giá xăng dầu khoảng 600 đến gần 1.000 đồng/lít vừa qua, chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất mặt hàng nông nghiệp, trong đó có phân bón.

“Dầu diesel công ty sử dụng không nhiều nên ít ảnh hưởng đến giá thành hàng sản xuất. Tuy nhiên, giá hàng hóa sau vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng. Hiện vẫn chưa có thông báo gì từ các nhà vận tải”- ông Tại nói.

Theo ông Tại, với lượng lưu thông hàng hóa dịp Tết tăng, cùng với tăng giá xăng, đây có thể là cái cớ để các nhà vận tải điều chỉnh cước.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Thanh Bình- đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, trong cơ cấu giá sản phẩm trong ngành, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 20-30%, nên mức tăng đó chưa tác động thực sự lớn. Trong khi đó, yếu tố quan trọng là hàng hóa đang ế ẩm, khá trì trệ, nên chắc “không ông nào dám ho he được”.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép lớn ở Hải Phòng cho biết, giá dầu madút tăng tới 672 đồng/kg trong khi dầu diesel tăng 761 đồng/lít ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành thép. Dầu madút và dầu diesel là hai cấu thành chi phí chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất của doanh nghiệp.

“Hiện doanh nghiệp ngành thép đã phải cạnh tranh rất khó khăn, nhu cầu thị trường cũng không cao trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng thế này khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn nữa. Với mức tăng giá dầu madút, ước tính chi phí sản xuất của mỗi tấn thép tăng lên khoảng 40.000 đồng. Nếu cộng cả chi phí vận chuyển tăng, doanh nghiệp ngành thép sẽ càng gặp nhiều khó khăn”, ông này khẳng định.

Giá hàng hóa siêu thị chưa tăng

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, hiện giá hàng hóa phục vụ dịp Tết vẫn tương đối ổn định, chưa có dấu hiệu biến động khi giá xăng vừa điều chỉnh tăng mạnh.

Đại diện siêu thị Big C cũng cho rằng, dù giá xăng tăng nhưng hiện cũng chưa có nhà cung cấp nào có thông tin điều chỉnh giá. Siêu thị đã dự trữ đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2017 của người dân, đại diện siêu thị Big C nói.

Đại diện Lotte Mart Đống Đa cũng cho biết, các mặt hàng phục vụ Tết năm nay đã sẵn sàng. Về các loại bánh kẹo, cà phê, đồ uống, để chuẩn bị cho Tết, siêu thị chủ động tăng 30-40% nguồn hàng dự trữ so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho rằng, xăng tăng giá chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhỏ đến công ty. “Khi xăng, dầu cùng tăng giá, chúng tôi phải chờ báo cáo từ những đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối. Nếu mức tăng của họ không nhiều, công ty vẫn sẽ kiềm giá bán như trước” – ông Hùng lý giải.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng, tăng giá xăng thời điểm này  khiến nhiều công ty sản xuất hàng Tết gặp khó. Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food nói, giá hàng thực phẩm của đơn vị thời gian qua không tăng dù giá xăng tăng nhiều đợt. Dự kiến mùa Tết này công ty tiếp tục giữ mức giá bán như ngày thường. Dẫu vậy, bà Lâm cho rằng, với giá xăng tăng đến gần 1.000 đồng/lít có thể sẽ khiến người kinh doanh sẽ tăng giá bán hàng.

Ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc marketing Saigon Co.op nhận định: Biến động giá sẽ khó xảy ra trong thời điểm hiện tại.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội phân tích, thời điểm này giá hàng hóa chưa thể tăng giá ngay do xăng tăng nhưng vào cận tết, giá hàng hóa tăng lên khoảng 4-5% dù giá xăng dầu chỉ chiếm 20% giá thành sản xuất. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, một quan chức Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc tăng 919 đồng/lít xăng A92 và từ 672 đồng đến  761 đồng/lít, kg đối với các loại dầu khác trong kỳ điều hành ngày 20/12, cơ quan quản lý đã phải tăng mức trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để kìm mức tăng giá bán lẻ trong nước do tác động của giá thế giới. Theo đó, liên bộ đã cho phép doanh nghiệp chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 600 đồng/lít xăng A92 và xăng sinh học E5. Mức chi sử dụng quỹ đối với dầu hỏa là 450 đồng/lít;  dầu madút trích chi sử dụng 550 đồng/kg. “Cơ quan quản lý không thể tăng thêm mức trích sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu do xu hướng tăng giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp diễn. Cùng đó, Quỹ cũng phải tính phương án chi dự phòng giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng kéo dài từ nay đến Tết Nguyên đán và tác động  đến giá bán lẻ trong nước”, vị này nói.

Nhóm PV Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)