Mặc dù đã được Bộ Công thương liên tiếp cảnh báo, song nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị các công ty "ma" tại châu Phi lừa đảo do hấp lực từ những khoản lợi nhuận kếch xù.
Trong một thông báo vừa phát ra của Bộ Công thương, cơ quan này cho biết, những năm gần đây, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo về các trường hợp lừa đảo thương mại trên mạng Internet tại khu vực Trung và Tây Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Togo, Cameroon… đồng thời nêu đích danh các tổ chức, cá nhân lừa đảo ở khu vực này.
Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất tiền.
Theo đó, vào đầu tháng 7, một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ tại Việt Nam đã tìm được qua trang www.ceblaza.net một nhà cung cấp gỗ ở Cameroon có tên là Woodventure Group.
Theo hợp đồng, nhà xuất khẩu Cameroon sẽ cung cấp một khối lượng gỗ Tali logs rất lớn trị giá hơn 400.000 USD và công ty Việt Nam đặt cọc 10% giá trị hợp đồng. 90% còn lại sẽ thanh toán bằng DP qua ngân hàng sau khi bên mua nhận được chứng từ gốc. Thời gian giao hàng trong vòng 2 tuần kể từ ngày nhận tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền hơn 1 tháng, nhà cung cấp gỗ vẫn chưa giao hàng và đã cắt đứt mọi liên lạc. Mặc dù trước đó, doanh nghiệp Việt Nam đã yêu cầu Woodventure cung cấp giấy phép kinh doanh nhưng đó là một giấy phép giả mạo. Địa chỉ của công ty Cameroon cũng không có thật.
Cách đây 2 năm, một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng từng bị lừa mất khoản tiền đặt cọc 11.000 USD khi giao dịch với một công ty xuất khẩu gỗ tại Cameroon có tên là Savanna Wood.
Dù đã được Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc cảnh báo về nguy cơ bị lừa đảo và được khuyến cáo chấm dứt giao dịch với nhà cung cấp gỗ của Cameroon, song doanh nghiệp Việt Nam vì muốn có hợp đồng vẫn tiếp tục liên hệ giao dịch, dẫn đến bị đối tượng lừa mất khoản tiền đặt cọc với thủ đoạn tương tự.
Bộ Công thương cho biết, đây chỉ là hai trong số nhiều vụ lừa đảo thương mại diễn ra tại một số quốc gia thuộc khu vực Trung và Tây Phi như Cameroon, Togo, Benin, Ghana, Nigeria.
"Trăm lẻ một chiêu" lừa đảo
Để tránh xảy ra những trường hợp tương tự sắp tới, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á nhắc nhở các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những biểu hiện lừa đảo thương mại qua mạng.
Cụ thể, thông thường, phong cách kinh doanh của các đối tác châu Phi là gặp mặt và trao đổi trực tiếp, tận mắt nhìn thấy hàng hóa trước khi quyết định mua hàng. Hình thức giao dịch thông qua thương mại điện tử chưa phổ biến và cơ sở hạ tầng của các nước châu Phi cũng chưa đáp ứng được cho hoạt động thương mại điện tử. Do vậy, nếu đối tác nào chỉ chấp nhận giao dịch thông qua Internet mà không gặp gỡ trực tiếp, nhiều khả năng là lừa đảo.
Hình thức lừa đảo phổ biến thường được các đối tượng áp dụng là yêu cầu phía doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc hoặc trả trước những chi phí như: phí nhập khẩu, phí giao dịch, phí trúng thầu, phí bảo lãnh hợp đồng của Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao… Sau khi nhận được các khoản phí này, đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo Bộ Công thương thì đa số trường hợp lừa đảo xuất phát từ các nước Tây và Trung Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Togo và Cameroun và đều được thực hiện thông qua thư điện tử email đối với những doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm khách hàng qua các website thương mại điện tử.
Ngoài việc vẽ ra những khoản lợi nhuận kếch xù, các công ty “ma” thường giả danh doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín, lập website, cung cấp các giấy tờ chứng nhận, đăng ký doanh nghiệp của các cơ quan như Bộ Thương mại, Bộ Tài Chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp, số điện thoại di động, số fax, địa chỉ công ty… Tuy nhiên, tất cả giấy tờ và thông tin trên đều giả mạo.
Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn núp dưới danh nghĩa các tổ chức thuộc chính phủ như Niger Delta Development Commission (NDDC) hoặc phi chính phủ như Tổ chức Cứu trợ và phát triển kinh tế Tây Phi (EDSROWA), Tổ chức Niềm tin Hồi giáo Cameroon (IRC), tổ chức ECOWAS để lừa đảo.
Bộ Công thương cũng lưu ý, nhiều quốc gia ở khu vực Trung và Tây Phi là nước nói tiếng Pháp (trừ Nigeria, Ghana, Zambia và Liberia) và tất cả các văn bản chính thức được soạn thảo bằng tiếng Pháp, ngay cả tại các tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế có trụ sở tại đây. Do vậy, nếu văn bản hành chính (giấy phép kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu) viết bằng tiếng Anh thì đó có thể là hành vi lừa đảo.
Theo Bích Diệp (DT)
Bình luận (0)