Sáng 23/8, Hội thảo đối thoại doanh nghiệp Việt-Áo (B2B Platform) diễn ra tại Phòng thương mại Công nghiệp Áo (WKO).
Đây là một trong những hoạt động của Đoàn doanh nghiệp Việt Nam, trong chuyến thăm quan, khảo sát thị trường châu Âu từ ngày 18 đến 28/8.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp hai bên đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm đối tác trong các lĩnh vực năng lượng sạch, ngân hàng, thiết bị viễn thông, dệt may, xuất nhập khẩu thực phẩm…
Ông Georg Brunauer (CEO, công ty công nghệ cao Novapecc) cho biết: "Chúng tôi sẽ quyết định chương trình để vào thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất."
Hiện tại, Áo đứng thứ 7 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU với các mặt hàng như giầy dép, điện thoại thông minh, máy điện, dệt may… với trị giá khoảng 2,2 tỷ USD trong năm 2015.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Áo tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nhập khẩu một số mặt hàng của Áo như máy cơ khí, thiết bị công cụ điện tử, các sản phẩm từ thép nguyên liệu, dược phẩm và thuốc… trị giá khoảng 412 triệu USD trong năm 2015.
Như vậy, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có cơ hội tiếp cận với thị trường châu Âu thông qua các doanh nghiệp Áo, mà các doanh nghiệp Áo cũng mong muốn tiếp cận với thị trường Đông Nam Á thông qua các doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyến công tác của Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam lần này do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam, Phòng thương mại và Công nghiệp các nước tổ chức.
Ông Nguyễn Hoàng Thắng (Đại diện VCCI) nhấn mạnh: "Đây là cơ hội trực quan để đại diện các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp nhìn thấy thực trạng thị trường EU. Từ đó, họ có thể rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các chiến lược sản phẩm, tiếp cận thị trường, bán hàng… như thế nào cho phù hợp. Ví dụ, một công ty Đức đang có nhu cầu nhập khẩu 500 tấn khoai lang nhưng phía Việt Nam chưa có đơn vị nào đáp ứng được cả về mặt số lượng và chất lượng, theo tiêu chuẩn châu Âu. Vì thế, khi nắm được thông tin này, chúng tôi sẽ về chuẩn bị phương án tốt nhất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Đức."
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp chủ yếu tìm kiếm thông tin qua Internet, tuy thông tin nhiều nhưng chất lượng không cao và nhiễu loạn. Nếu người khảo sát không có kinh nghiệm thì dễ bị khủng hoảng thông tin.
Do đó, các doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin hỗ trợ từ báo Wiener Zeitung (1703) (một trong những tờ báo lâu đời nhất thế giới còn hoạt động) được độc quyền chuyên mục Amtsblatt – cung cấp các thông tin tài chính, đầu tư… của các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn, khu vực tài chính công của Áo và 27 nước thành viên EU.
Ngoài ra, Viện Wiener Zeitung và dự án MOOCS cũng cung cấp các dữ liệu khổng lồ, liên quan đến Smart city, Digital city, Sociel city, Industry 4.0, Govermence 4.0…, các vấn đề mà chính quyền và các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm.
Vì thế, Wiener Zeitung dự kiến phối hợp với các cơ quan liên quan ở Việt Nam xuất bản phiên bản tiếng Việt nhằm hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau sâu hơn. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Áo, EU một cách hiệu quả nhất.
Ông Raymund Gradt, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á/WKO, chủ trì hội thảo nhận xét: "Chúng tôi quan tâm đến các doanh nghiệp Việt Nam và đã mời các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp Áo đến để họ gặp gỡ"./.
Bình luận (0)