Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt khó vào chuỗi sản xuất toàn cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều doanh nghiệp nội tự tin sản phẩm họ làm ra đạt chất lượng quốc tế, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao, nhưng dù đã tìm nhiều cách tiếp cận song vẫn khó lọt vào được các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong chuỗi sản xuất các thương hiệu ô tô toàn cầu đã có sự tham gia của doanh nghiệp nội	 /// Ảnh: Chí Hiếu
Trong chuỗi sản xuất các thương hiệu ô tô toàn cầu đã có sự tham gia của doanh nghiệp nội. Ảnh: Chí Hiếu
“Doanh nghiệp ngoại không muốn bắt tay”
Tại hội nghị về năng suất lao động quốc gia mới đây, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) nội có công nghệ tốt, sản phẩm tốt nhưng không đơn giản để vào chuỗi sản xuất của các ông lớn nước ngoài.
“Thậm chí, chúng tôi cô đơn trên chính đất nước mình bởi DN ngoại không bắt tay”, ông Huyền than vãn. Vị này kể, sau nhiều năm tìm tòi, đổi mới công nghệ, Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã sản xuất được a xít phosphoric điện tử – một sản phẩm chuyên sâu trong ngành hóa chất mà Samsung hoặc các tập đoàn phần mềm rất cần. Chi phí để làm ra a xít phosphoric điện tử giá cũng cao gấp đôi a xít phosphoric thực phẩm thông thường nhưng hiện nay Tập đoàn hóa chất Đức Giang đã có nhà máy với công suất lên đến 30.000 tấn, chủ yếu cung cấp cho các công ty Ấn Độ.
“Các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản như Samsung chủ yếu lấy sản phẩm của công ty Hàn hoặc Nhật nên DN Việt rất khó đi vào chuỗi giá trị của họ. Mặc dù tôi biết chắc chắn các công ty này cũng nhập nguyên liệu của chúng tôi rồi về làm ra a xít phosphoric điện tử bán lại cho Samsung”, ông Huyền nói.
Tự tin sản phẩm tốt, nhưng lại khó thâm nhập vào chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia là điều mà nhiều năm qua ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cơ khí 19-8, vẫn ấm ức. Ông Tuấn Anh cho hay, hơn 10 năm trước, sản phẩm chủ lực của công ty là nhíp, lò xo cho các dòng xe tải đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn DIN của Đức và đều đặn xuất khẩu sang châu Âu từ bấy đến nay. “Vậy nhưng, khi chào hàng các thương hiệu ô tô tải lắp ráp ngay trong nước mình thì chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu với “lý do tế nhị”. Mặc dù sau đó, chính những hãng này lại đặt mua sản phẩm của chúng tôi nhưng chỉ để cho thay thế, bảo hành bảo dưỡng. “Mỗi khi nghe tin có công ty nội địa nào gia nhập thị trường lắp ráp xe tải, chúng tôi lại lần mò tìm đến để gửi hàng, dù với bất cứ giá nào, miễn là được đối tác chấp nhận dùng thử nhưng vô cùng khó khăn”, ông Tuấn Anh cho hay.
Trong cuộc họp về tình hình sản xuất công nghiệp của Bộ Công thương diễn ra đầu tháng 8, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, thừa nhận: “Trong 8.000 DN công nghiệp thì chỉ một số có quy mô lớn, mới tham gia một phần nhỏ chuỗi toàn cầu nhưng đó là phần giá trị thấp. Họ cho làm công đoạn nào thì làm cái đó chứ chúng ta chưa chủ động được mà hoàn toàn phụ thuộc. Trong nhiều trường hợp, cuộc chơi vẫn do người đứng đầu chuỗi quyết định nên sản phẩm của DN nội dù tốt cũng chưa chắc vào được”.
Thị trường mới là “ông” quyết định
Một chuyên gia từng có hàng chục năm làm việc với các tập đoàn đa quốc gia lại cho rằng đó không phải là cản trở chính. Tất cả là do thị trường quyết định, có đào thải, có thay mới”, vị này nhận định. Dù vậy, ông cũng thừa nhận, đúng là có chuyện khó tham gia chuỗi bởi thông thường các chuỗi đã được hình thành trước, đã khép kín nên khi muốn vào được chuỗi thì nhà cung cấp mới phải đạt chất lượng vượt trội, để tránh rủi ro cho nhà sản xuất.
Câu chuyện tham gia chuỗi cung ứng của Thaco Trường Hải là một minh chứng cho cách làm phù hợp. Đại diện của Thaco kể, sau một thời gian nhập khẩu linh kiện về lắp ráp thì vài năm trở lại đây, nhiều bộ phận đã được Thaco nội địa hóa để lắp ráp với xe bán trong nước và xuất khẩu cho các nhà máy của Mazda, Kia trong khu vực.
“Ví dụ là cản xe Kia Sorento, Thaco ban đầu đặt vấn đề với Kia là sẽ tự sản xuất với số lượng 30.000 cái, tương đương số xe Kia mà Thaco bán tại VN năm đó. Kia đồng ý ngay và giới thiệu cho Thaco gặp một trong số các nhà cung cấp cản xe cho Kia để hai bên làm việc. Sau khi được xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật, số lượng mà Kia đặt ra với nhà cung cấp này thì Thaco bắt đầu tự làm cản xe. Nhưng một thời gian sau, chính nhà cung cấp này tiếp tục đặt hàng thêm số lượng để họ bán cho một số nhà lắp ráp trong khu vực Đông Nam Á vì thấy giá thành cạnh tranh hơn nếu so với làm từ Hàn Quốc rồi chuyển đi”, đại diện Thaco kể. “Tất nhiên, ban đầu phải đi từ những sản phẩm dễ, sản phẩm có lợi thế. Tiếp đó mới là các chuỗi giá trị cao hơn. Nhưng tất cả là do năng lực của DN, do chúng ta làm tốt đã và hợp tác trên tinh thần win – win (cùng có lợi) chứ không phải ông nào ra lệnh”, đại diện Thaco nói.
Chí Hiếu/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)