Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt làm ăn phải có tư duy chuỗi

Tạp Chí Giáo Dục

Phát biểu tại diễn đàn Sẵn sàng hội nhập do tạp chí Nữ doanh nhân phối hợp Hội đồng doanh nhân nữ VN tổ chức hôm nay 28.8, ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN) nhận định, doanh nghiệp VN gần như chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các đạ biểu đối thoại tại diễn đàn của tạp chí Nữ doanh nhân - Ảnh: N.T.TâmCác đại biểu đối thoại tại diễn đàn của tạp chí Nữ doanh nhân – Ảnh: N.T.Tâm
“VN là một trong những nước có tinh thần hội nhập từ rất sớm. Nhưng vấn đề đặt ra trong hội nhập hiện nay là doanh nghiệp đối mặt quá nhiều thách thức, nhiều hơn cả giai đoạn trước khi VN gia nhập WTO hồi năm 2008. Trong nền kinh tế VN, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tồn tại như một ốc đảo. Mối liên kết giữa khối doanh nghiệp này với doanh nghiệp tư nhân trong nước là chưa chặt chẽ. Làm ăn giờ là chuỗi chứ không thể độc lập và doanh nghiệp VN muốn tồn tại trong hội nhập phải tham gia vào chuỗi, có tư duy chuỗi. Chừng nào kinh tế tư nhân còn đứng ngoài chuỗi là thất bại”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, để làm được việc này, doanh nghiệp VN trước hết phải nắm được thông tin về hội nhập. Tuy nhiên, thông tin lại chưa được cơ quan nhà nước chuyển tải hiệu quả. Doanh nghiệp có tiếp cận được nhiều khi cũng không hiểu hết vì ngôn ngữ đàm phán rất phức tạp. Doanh nghiệp VN cần nghiên cứu các nội dung đàm phán, xem rằng liệu chúng sẽ tác động như thế nào đến làm ăn của mình; phải xây dựng kế hoạch kết nối chuỗi với doanh nghiệp khác trong và ngoài nước.
“Hiệp định xuyên Á – Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký kết trong 1 – 2 tháng tới, khi đó doanh nghiệp VN còn chỉ 1 – 2 năm để chuẩn bị cho hiệp định hiệu lực. Đây là quãng thời gian rất ngắn để làm mọi thứ. Nhưng nếu không được ký trong 1 – 2 tháng nữa thì sẽ phải đợi đến năm 2018”, ông Lộc thông tin thêm.
Không chỉ TPP, hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang đàm phán hoặc đã được ký kết đem lại cho doanh nghiệp VN nhiều cơ hội. Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, cho rằng hội nhập không đảm bảo là sẽ mang lại mọi thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước. “Doanh nghiệp phải chủ động để tiếp cận cơ hội và phải thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Hội nhập sẽ giúp cho người tiêu dùng có nhiều chọn lựa hơn và đòi hỏi sản phẩm cao hơn, vì thế doanh nghiệp phải đổi mới để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng”, bà Kwakwa phát biểu.
Theo bà, doanh nghiệp nhỏ và vừa VN thường bị hạn chế về nguồn lực. Vì thế, nếu doanh nghiệp tiếp cận sáng tạo mới hoặc nguồn lực tập thể sẽ thúc đẩy phát triển. Nguồn lực tập thể ở đây chính là những kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với nhau hoặc liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu với doanh nghiệp nước ngoài. Đó là sống còn.
Theo TNO

 

Bình luận (0)