Doanh nghiệp Việt Nam đã từng bị 37 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhưng lại chưa từng sử dụng được các biện pháp đó để bảo vệ hàng hoá của mình. Buổi toạ đàm "Bảo vệ hàng hoá sản xuất trong nước" vừa qua đã mổ xẻ vấn đề này.
Liên tiếp các vụ kiện xảy ra đối với doanh nghiệp Việt Nam |
Vừa qua, Ấn Độ đã áp thuế chống bán phá giá ở mức cao nhất với hàng sợi nhập từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất giày Canada lại khởi kiện một số doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá mặt hàng đế giày không thấm nước.
Hiệp hội Công nghiệp giày Brazil – Abicalcado thì yêu cầu tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số loại giày xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam từ cuối tháng 2/2009…
Và gần đây nhất là ngày 2/4, tham tán thương mại tại Mỹ loan báo việc hai công ty Hilex Poly Co., LLC và Super Corporation của Mỹ đã đệ đơn đến bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm túi PE đựng hàng hoá bán lẻ nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm túi PE đựng hàng hoá bán lẻ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo các chuyên gia nhận định, các vụ kiện xảy ra trong thời điểm thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới toàn ngành hàng khi nhiều đối tác nhập khẩu lo ngại, chuyển qua đặt hàng ở các nước khác.
Đáng chú ý là các vụ kiện gia tăng gần gây cùng với xu thế các nước tăng cường bảo hộ hàng hoá sản xuất trong nước để hạn chế ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới là nguyên nhân chính kiến cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam càng bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nếu như trước đây, thường chỉ có các nước phát triển như EU, Hoa Kỳ đi kiện Việt Nam thì hiện nay, cả những nước đang phát triển cũng kiện, điển hình là Ấn Độ. Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, việc Ấn Độ áp thuế mặt hàng vải sợi của Việt Nam cũng là một rào cản thương mại mới mà các nhà nhập khẩu cố tình đưa ra để bảo hộ cho hàng hoá nội địa.
Thậm chí, một số nước đang xuất siêu vào nước ta cũng chẳng bỏ qua các cơ hội để tiến hành các vụ kiện chống bán phá với hàng của ta.
Tại buổi toạ đàm "Bảo vệ hàng hoá sản xuất trong nước" do bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Đức Thành, Cục phó Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: "Khi hàng hoá của Việt Nam ngày càng được thế giới chú ý, tính cạnh tranh cao thì nguy cơ bị kiện bán phá giá ngày càng lớn."
Đặc biệt, xu hướng các vụ kiện chống bán phá giá mà doanh nghiệp Việt Nam với tư cách bị đơn là các vụ kiện chùm, nghĩa là bị kiện chung cùng với các nước khác do cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của nước ta tương đối giống với nhiều nước.
Muốn mà không kiện được
Tại buổi toạ đàm này, đại diện Tổng Công ty thép Việt Nam kể lại: Năm 2002, mặt hàng thép cuộn từ Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt vào nước ta, tăng đột biến với giá nhập rẻ hơn cả giá đầu vào của các DN sản xuất trong nước… khiến nhiều DN thép phải đóng cửa. Tại thời điểm đó, các DN thép trong nước đều rất muốn kiện thép Trung Quốc nhưng họ đã không thể tập hợp đủ hồ sơ cần thiết để đi kiện.
Theo ông Lại Quang Trung, Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Tổng Công ty thép Việt Nam, trong sự việc này không hoàn toàn do lỗi từ phía DN vì những số liệu để có thể làm căn cứ đi kiện phải là số liệu chính thức từ các cơ quan Hải quan. Trong khi đó, “việc tập hợp số liệu của ta rất chậm trễ và không đầy đủ. Chưa kể DN rất khó để có thể tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu từ phía ngành hải quan, thuế…” – ông Trung nói.
Đây cũng là lý do khiến không chỉ lĩnh vực thép mà tất cả các DN ở các lĩnh vực khác nếu muốn đi kiện cũng đều gặp khó. Ông Hoàng Văn Thụ, Hiệp hội chè cho rằng: "Các cơ quan thương vụ ở nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc nắm tình hình thị trường, từ đó giúp DN tập hợp các bằng chứng để đi kiện khi thấy cần thiết. Thực tế nhờ sự hỗ trợ của thương vụ trong việc lobby với các DN ở Ấn Độ, Đài Loan, Hiệp hội người tiêu dùng, chúng tôi đã từng thoát khỏi bị kiện".
Rõ ràng, cả việc bị kiện và đi kiện đều là những vấn đề mà DN Việt Nam đang gặp nhiều rắc rối mà nguyên nhân chính là chúng ta không nắm được đầy đủ các cơ sở pháp lý để. Và chừng nào, tình hình này còn tiếp diễn thì không chỉ có thị trường xuất khẩu hàng hoá bị đe doạ và cả nội địa cũng vậy.
Lan Hương (dân trí)
Bình luận (0)