Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt “ồ ạt” đem vốn xuất ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đầu tháng này, Công ty Cổ phần Việt – Lào (doanh nghiệp do tập đoàn Sông Đà nắm cổ phấn chi phối) đã khởi công dự án thủy điện Xekaman 1 tại huyện Sanxay, tỉnh Attapeu (Lào). Dự án có tổng mức đầu tư 441 triệu USD, công suất thiết kế 322 MW do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 100% vốn.

Đây là dự án điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Lào cho đến thời điểm này. Báo chí loan tin sự kiện như một minh chứng cho quan hệ hợp tác thành công nữa giữa hai nước láng giềng thân hữu, nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy việc chuyển vốn ra các địa bàn đầu tư nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam đang tiếp tục trở thành xu hướng.
Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài dự án thủy điện Sekong 3 tại Lào cho tập đoàn Sông Đà ngày 2/3/2011.
 

Đầu tư dự án điện đang tăng tốc

Tại buổi lễ khởi công Xekaman 1 nói trên, dự án được nhắc đến như một phần của chương trình hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Lào, được khởi động từ năm 2006. Chương trình được thiết kế với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng các nhà máy để phát triển hạ tầng điện nước bạn, nhưng đồng thời sẽ bán điện sang Việt Nam khoảng 3.000-5.000 MW.

Nhìn lại giai đoạn đầu của chương trình, quy mô đầu tư chưa thực sự lớn do những khó khăn nhất định về khả năng sinh lợi bị hạn chế bởi giá điện trong nước thấp; điều kiện hạ tầng phục vụ đầu tư tại nước bạn khó khăn hơn; thậm chí quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất điện với ngành điện trong nước cũng có lúc chưa thuận.
Tuy nhiên, cho đến mấy năm gần đây, tình hình thiếu điện ngày càng gay gắt hơn khiến ngành điện luôn trong tình trạng nhập khẩu điện giá cao; phát triển thủy điện nhỏ, nhiệt điện ở trong nước đã không còn dễ dàng như trước; lộ trình tăng giá điện cũng đã được tính đến theo hướng áp giá thị trường… thì bài toán đã gần như có được lời giải.
Thêm vào đó, việc ngành điện các địa phương ngay từ đầu năm 2011 buộc các doanh nghiệp đăng ký cắt giảm 20% sản lượng điện tiêu thu so với năm ngoái, xem ra là khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung. Nhưng đồng thời, diễn biến này cũng mang đến cơ hội cho những nhà đầu tư nguồn điện, mà địa bàn lựa chọn không chỉ ở trong nước.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ đầu năm 2011 đến cuối tháng 2 vừa qua, đã có 3 dự án thuộc phân ngành sản xuất, phân phối điện, nước, điều hòa nhiệt độ được các nhà đầu tư Việt Nam đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Số vốn đăng ký theo đó lên đến trên 1,2 tỷ USD, chiếm tới 97% tổng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong 2 tháng đầu năm.
Và đó mới chỉ là sự khởi động cho một năm nhiều dự định của các doanh nghiệp. Theo mục tiêu của chương trình hợp tác Việt – Lào kể trên, vẫn còn nhiều “dư địa” cho các chủ đầu tư quốc tịch Việt hướng vào. Mới đây, ngày 2/3, tập đoàn Sông Đà cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án Sekong 3 tại Lào, có tổng mức đầu tư 275 triệu USD, công suất lắp máy 205 MW.
Chỉ tính riêng tập đoàn này, đến nay đã có 3 dự án điện chuyển sang giai đoạn thực hiện đầu tư tại Lào, bao gồm thủy điện Xekaman 1 và 3, thủy điện Sekong 3, với tổng công suất lắp máy 777 MW, tổng điện lượng trung bình hàng năm 3,13 tỷ kWh, tổng mức đầu tư là 1,03 tỷ USD.
“Ồ ạt” xuất ngoại
Trở lại với báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong hai tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký một lượng vốn rất lớn đầu tư ra nước ngoài. Có 16 dự án thuộc 9 phân ngành đầu tư, tuy thế số vốn đăng ký đạt trên 1,264 tỷ USD, chỉ thấp hơn khoảng 300 triệu so với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam cùng thời kỳ.
Các doanh nghiệp ngày càng “chuộng” đầu tư ra nước ngoài. So với 10 năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu “làn sóng” đầu tư ra ngoài lãnh thổ, hai tháng đầu năm nay có lượng vốn đăng ký gấp khoảng 93 lần.
Nếu tính cả giai đoạn 1999-2005, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cũng mới bằng khoảng 58% lượng vốn đăng ký của hai tháng đầu năm 2011.
Đáng lưu ý là các nhà đầu tư Việt dường như ngày càng “ưa” dự án lớn. Tính bình quân vốn, mỗi dự án đầu tư mới trong hai tháng đầu năm đạt khoảng 79 triệu USD. Con số này lớn hơn nhiều so với các dự án đầu tư vào Việt Nam cùng thời kỳ, chỉ đạt bình quân 14,6 triệu USD/dự án.
Nhà đầu tư Việt cũng “thích” tự chủ, khi 99% tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư ra nước ngoài trong hai tháng đầu năm nay là của nhà đầu tư mang quốc tịch Việt Nam, trong đó 84% là vốn điều lệ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 2/2011, Việt Nam có 575 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 23,7 tỷ USD, trong đó phần vốn của nhà đầu tư Việt Nam đã vượt 10 tỷ USD.
Nguồn VNECONOMY

Bình luận (0)