Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt trước cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28.8, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo “Thị trường Mỹ – cơ hội cho DN Việt Nam” nhằm giới thiệu với các DN trong nước về thị trường đầy tiềm năng này.

Cơ hội nhiều
Theo ông Nguyễn Duy Khiên – Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ (Bộ Công Thương) thì Mỹ là thị trường khổng lồ, đa dạng và có nhu cầu lớn đối với nhiều loại hàng hóa, bởi đây là quốc gia đa chủng tộc, GDP trên đầu người cao, xếp thứ 10 trên thế giới (đạt 47,400USD/người năm 2010) và đặc biệt người dân ở Mỹ có thói quen mua sắm, dịch vụ tài chính phát triển.
Năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đạt khoảng 2.329,6 tỉ USD (tăng 19,4%). Đây thực sự là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với các nhóm NK chính gồm: Các sản phẩm cung ứng cho công nghiệp gồm cả dầu mỏ là 32,9%; tư liệu sản xuất (máy tính, các thiết bị viễn thông, linh kiện ôtô…) 30,4%; hàng hóa tiêu dùng (ôtô, quần áo, thuốc men đồ chơi) 31,8% và nông sản là 4,9%…
Đặc biệt là những mặt hàng đòi hỏi nhiều LĐ như may mặc, giày dép, đồ gỗ và đồ chơi… do chi phí nhân công cao nên ngành công nghiệp này tại Mỹ không thể cạnh tranh được với hàng NK và hầu như không còn tồn tại và chỉ mang mẫu mã ra nước ngoài đặt SX rồi nhập về phân phối cho các mạng lưới tiêu thụ. Trong khi đó, những mặt hàng này VN đang có lợi thế do giá nhân công rẻ.
Mặt khác, hiện Mỹ là nước có dân số đứng thứ 3 thế giới với thu nhập bình quân 46.900USS/người/năm, người dân có thói quen mua sắm thoải mái vì họ mua qua thẻ tín dụng và được trả góp từ quần áo đến nhà cửa, ôtô. Một thế mạnh nữa là cộng đồng người Việt sinh sống tại Mỹ rất đông, đây là cầu nối để đưa hàng Việt vào thị trường này.
“Ngoài những lợi thế trên, Nhà nước cũng cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ DN phát triển SX và mở cửa thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia và hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại” – ông Khiên nhấn mạnh.
Thách thức cũng… không ít
Theo Cục Xúc tiến thương mại thì các nước xuất khẩu (XK) vào Mỹ cạnh tranh gay gắt nhất là với Trung Quốc. Những mặt hàng mà chúng ta quan tâm đẩy mạnh XK sang Mỹ là dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, đồ chơi… và những mặt hàng này TQ đều đang chiếm thị phần rất lớn và đây cũng là trở ngại lớn đối với hàng hóa của VN khi tiếp cận thị trường Mỹ . Chỉ tính riêng năm 2008, TQ đã XK vào Mỹ tới 337,5 tỉ USD (chiếm 16% trong tổng số 2.112 tỉ USD NK của Mỹ).

Dệt may là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: T.K

Do vậy, Mỹ là một thị trường khổng lồ và hấp dẫn và bất kỳ đất nước nào cũng nhắm tới thị trường này. Khó khăn của VN là những người đến sau, do bị cấm vận buôn bán và phải đến tháng 12.2001, khi hiệp định song phương giữa 2 nước có hiệu lực thì quan hệ thương mại mới thực sự bình thường. Khi chúng ta bắt đầu tiếp cận thị trường thì các đối thủ cạnh tranh đã có chỗ đứng vững chắc. Do vậy, để thuyết phục các nhà NK, điều quan trọng nhất là sự độc đáo, chất lượng tốt và giá thành phải rẻ.
Ngoài ra, còn nhiều rào cản khác như hệ thống pháp luật, thị trường xa, chi phí vận tải và giao dịch cao dẫn đến các mặt hàng cồng kềnh có giá trị thấp rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, liên tiếp trong những năm gần đây, các DNVN thường gặp khó khăn về tiêu chuẩn LĐ và môi trường khi XK hàng hóa sang Mỹ; các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ giá; hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm…
Tuy đã có MFN nhưng không có ưu đãi GSP, ưu đãi đơn phương của Mỹ cho một số nước, FTA với các nước v.v… Thị trường đầy cạnh tranh và nhiều rào cản như vậy nhưng năng lực đáp ứng của các DN VN lại rất hạn chế. Phần lớn các DN của VN có quy mô nhỏ, phần lớn vẫn là gia công thuần túy. Trong khi đó, các DN Mỹ thường không đặt gia công mà đặt mua hàng hoặc đặt SX theo thiết kế, mẫu mã và tiêu chuẩn kỹ thuật của họ.
Theo ông Nguyễn Duy Khiên thì các DN SX cần thiết kế và đóng góp sản phẩm để tiết kiệm thể tích, phải tăng giá trị hàng hóa để chi phí vận tải trên giá trị hàng hóa trở thành nhỏ nhất. Đồng thời, các DN nên sử dụng thương mại điện tử trong khi thực hiện kinh doanh với các DN Mỹ bởi đây sẽ là chìa khóa giúp DN hóa giải được các rào cản thương mại.

Tổng giá trị XK năm 2010 của Việt Nam vào Mỹ đạt khoảng 14,238 tỉ USD, tăng 2,838 tỉ USD (24,89% so với năm 2009). Với các mặt hàng chủ lực là: Dệt – may là 6,117 tỉ USD, đồ gỗ là 1,329 tỉ USD, giày dép là 1,407 tỉ USD, thủy sản 956 triệu USD.
Tổng giá trị NK năm 2010 từ Mỹ vào VN đạt 3,766 tỉ USD, tăng khoảng 766 triệu USD (25,5%), gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, thức ăn gia súc và nguyên liệu… 

 

Đặng Tiến 
Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)